(HNM) - V.League 2010 vừa kết thúc và hàng loạt cuộc chuyển nhượng với những mức giá trên trời đang khiến cho giới chuyên môn giật mình. Ước tính, mức chi phí hằng năm cho một CLB V.League vào dạng khá lên đến 60-90 tỷ đồng, trong đó 80-85% trong tổng số kinh phí này là dùng để trả lương và phí chuyển nhượng.
Và nếu thị trường chuyển nhượng cứ bị đảo điên với mức giá ảo thì sẽ đến một ngày các CLB sẽ đứng trước nguy cơ phá sản vì chẳng ông bầu nào chịu "ném tiền qua cửa sổ" mãi!
Công Vinh được mua với giá 1 triệu USD liệu có phản ánh đúng giá trị thực của cầu thủ này. |
Khi nghe tin Công Vinh được 1 CLB phía Nam trả giá tròn 1 triệu USD gồm phí lót tay 3 năm và mua lại 1 năm hợp đồng từ HN.T&T thì một chuyên gia bóng đá đã thốt lên: "Không thể tin nổi. Không có cầu thủ Đông Nam Á nào đáng giá 1 triệu USD chứ chưa nói đến cầu thủ Việt Nam. V.League đang sống trên những giá trị ảo".
Quả thật, việc mua Công Vinh ở thời điểm đang bị chấn thương nặng là hết sức rủi ro bởi khả năng trở lại phong độ đỉnh cao vẫn còn bỏ ngỏ. Thế nhưng, nếu so sánh mức giá này với số tiền mà các ngôi sao khác đang được chào mời thì cũng không quá vô lý. Chẳng hạn, trung vệ Phước Tứ của Thể Công được đội hạng Nhất Quảng Nam Xuân Thành chào mời bằng bản hợp đồng 3 năm với mức giá 11 tỷ đồng. Mức giá này còn thua 2 tỷ đồng so với tổng số tiền mà đội bóng V.Ninh Bình bỏ ra để lấy trung vệ Như Thành về từ B.Bình Dương. Thậm chí, tiền đạo vốn chỉ đóng vai trò dự bị cho Công Vinh ở ĐTQG là Quang Hải cũng được 2 đội bóng chào mời với mức giá 10 tỷ đồng. Còn nếu so với số tiền mà cầu thủ Leandro đòi hỏi từ XM.Hải Phòng cho bản hợp đồng mới (khoảng 16 tỷ đồng/năm) thì tất cả các con số trên đều trở nên nhỏ bé.
Có vẻ như việc định giá cầu thủ ở V.League đã bị loạn, những cột mốc kỷ lục liên tục bị xô ngã hết năm này sang năm khác. Thời những năm 2000, mức lương một cầu thủ chất lượng cỡ Vũ Minh Hiếu cũng chỉ đến mức 3 triệu đồng/tháng và hoàn toàn không có tiền lót tay. Còn nay, nếu chia số tiền lót tay của 1 cầu thủ cỡ trung bình khá ra mức lương hằng tháng thì sẽ đạt đến con số khủng khiếp: hơn 200 triệu đồng/tháng. Đó chính là giá trị ảo của V.League bởi chất lượng cầu thủ không tăng, nhưng tiền lương, tiền lót tay thì cứ tăng chóng mặt.
Chính sự gia tăng chóng mặt về mức lương, phí chuyển nhượng của các cầu thủ là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí quản lý một đội bóng tăng vọt, bởi theo 1 lãnh đạo đội bóng thì những khoản chi này chiếm đến 80-85% tổng chi. Trong khi đó, giới hạn an toàn cho chỉ số này của các CLB châu Âu là 60%, tức là các CLB Việt Nam đã vượt giới hạn an toàn quá xa.
Thế nhưng, điều đáng ngại là khoản thu của các đội bóng lại không tăng lên bao nhiêu, từ tiền bán vé, bảng quảng cáo đến bản quyền truyền hình. Tức là, hầu hết các CLB đều sống dựa trên túi tiền của các ông bầu và khi các ông bầu hết nhiệt tình thì đội bóng cũng teo tóp theo. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông bầu của đội bóng gặp khó khăn về tài chính? Chắc chắn khi đó đội bóng sẽ đứng trước nguy cơ giải thể hoặc phải chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác, địa phương khác.
Thực ra, mức chi phí 60-90 tỷ đồng để nuôi 1 đội bóng không phải là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp mạnh, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu số tiền này cứ tăng theo cấp số cộng trong thời gian tới? Chính cách phát triển thiếu bền vững này là lý do khiến người ta lo ngại cho tương lai bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Nếu "cơn điên" của thị trường chuyển nhượng Việt Nam không chấm dứt, tức là mức giá cầu thủ cứ tăng mãi mà không có điểm dừng thì rồi sẽ đến lúc "vỡ bong bóng" và tất cả cùng chịu hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.