Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát nước mùa mưa 2010: Vẫn là vấn đề “nóng”

Đức Trường| 11/05/2010 07:25

(HNM) - Mùa mưa sắp đến kéo theo những nỗi lo toan. Mỗi năm qua đi, tình trạng úng ngập ở nội thành tuy có được cải thiện, số điểm úng ngập giảm, thời gian tiêu thoát nước nhanh hơn, tuy nhiên, để giải quyết tình trạng úng ngập trong mùa mưa một cách triệt để lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy hoạch, thiết kế và thi công

Trạm bơm Yên Sở: Công trình đầu mối góp phần giảm số điểm và thời gian úng ngập cho các quận trung tâm Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy


Một công trường lớn

Nội thành Hà Nội đang như một công trường lớn. Mọi đơn vị đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ công việc hướng tới ngày Đại lễ. Thế nhưng đối với việc thoát nước mùa mưa 2010, chính những công trình xây dựng này lại là một mối lo.

Ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), cho biết, một số công trình thi công không tuân thủ đúng thỏa thuận dẫn dòng, làm co hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của kênh mương. Cụ thể là công trình đường Văn Cao - Hồ Tây (cống hóa đoạn mương Thụy Khuê tại khu vực nhà 249 Thụy Khuê); đường dẫn cầu Thanh Trì (qua kênh bao Yên Sở)… Một số hạng mục thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã có thể đưa vào sử dụng nhưng chưa được bàn giao, chưa thu dọn phế thải như cống hóa Hào Nam - Yên Lãng (từ Trịnh Hoài Đức đến Vũ Thạnh); cống hóa mương Chẹm - Xã Đàn; cống trên đường Khuất Duy Tiến…

Ông Bùi Xuân Phúc, Giám đốc XN Quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở than phiền, đơn vị thi công gói thầu số 3 thuộc công trình cầu Thanh Trì, do Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long làm chủ đầu tư, đã gây tắc kênh bao Yên Sở, nước không thể theo kênh về trạm bơm. Nếu tình trạng này không được khắc phục, khi có mưa lớn, nước không thoát kịp nội thành sẽ bị úng ngập. Theo ông Bùi Xuân Phúc, đơn vị thi công đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận thoát nước đã ký kết. Đó là chưa kể khi thi công họ còn làm đứt cáp điện 6kV và cáp tín hiệu, làm tê liệt đập cao su từ hơn một tháng nay, mặc dù đã có nhiều văn bản yêu cầu khắc phục nhưng họ cứ phớt lờ.

Khu vực nội thành hiện có 151 tuyến phố đã, đang và chuẩn bị thi công cải tạo chỉnh trang hè rãnh, hạ ngầm kỹ thuật với 12 chủ đầu tư và hơn 20 đơn vị thi công. Mặc dù các hạng mục này góp phần cải thiện cảnh quan đô thị nhưng quá trình thi công đã làm hẹp tiết diện thu nước, thậm chí một số hố ga thu nước, cống ngang, rãnh thoát nước bị đục phá, dễ gây ra úng ngập cục bộ. Ngoài ra, trong dự án đường Vành đai 3 cũng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư, hệ thống cống tồn đọng nhiều bùn, đất, đập chặn chưa được nạo vét cũng dễ gây úng ngập khi xảy ra mưa lớn.

Công trình thi công đường dẫn cầu Thanh Trì cản trở dòng chảy đổ về Trạm bơm Yên Sở. Ảnh: Đàm Duy


Nỗi lo "điểm đen"

Công ty Thoát nước đã đề ra mục tiêu năm nay là bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 172 mm/2 ngày tại khu vực thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I. Đồng thời, công ty mở rộng phạm vi phục vụ nhằm giảm thiểu úng ngập khu vực ngõ xóm trên địa bàn các quận, khu vực đô thị hóa của Hà Nội mở rộng tiếp giáp với nội thành. Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống công trình thoát nước, giữ gìn cảnh quan đô thị.

Tại khu vực trung tâm thành phố (thuộc lưu vực sông Tô Lịch) - nơi được xem là hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh so với những lưu vực còn lại, hệ thống thoát nước cũng chỉ có thể chịu nổi những trận mưa dưới 50 mm/h. Dự báo trong khu vực này còn 25 điểm úng ngập cục bộ khi xảy ra mưa rất to (cường độ 50mm - 100mm/h). Trong năm 2009, Công ty đã đầu tư giải quyết được 3 điểm là Trần Đăng Ninh, Chùa Hà, đường Tam Trinh. Trong số 25 "điểm đen" này, 13 điểm sẽ được cải tạo theo Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2: Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Đội Cấn, Ngô Thì Nhậm - Nguyễn Công Trứ; Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Lĩnh Nam, Trương Định, Thái Thịnh, Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Tây Sơn - Thái Hà.

Để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa năm nay, Công ty Thoát nước đã lập nhiều phương án chi tiết giải quyết thoát nước cho từng khu vực việc thoát nước được tập trung giải quyết trước hết ở khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch. Đây là khu có mật độ dân cư, giao thông lớn, nhiều cơ quan Trung ương và Thành phố và cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng. Hệ thống thoát nước được vận hành theo phương án giữ mực nước ở cốt thấp nhất để tăng khả năng tiêu thoát cũng như sức chứa của hệ thống hồ nội đô. Trạm bơm Yên Sở đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện dự phòng, nhân công ứng trực và giữ an toàn vận hành…

25 điểm có thể xảy ra úng ngập khi cường độ mưa 50 - 100mm

Ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, cửa ga Hà Nội (Lê Duẩn), Tôn Đản - Lê Lai, ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, phố Quán Thánh (trước số nhà 192 Quán Thánh), Ngọc Khánh, Đội Cấn, Ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, Ngã 3 Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm, Ngã tư Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Khuất Duy Tiến (gần mương Mễ Trì), Nguyễn Trãi (Nguyễn Quý Đức - Hạ Đình), đường Lĩnh Nam (từ số nhà 183 đến Ngã ba Vĩnh Hưng - Lĩnh Nam), Trương Định (từ ngõ 521 đến cầu Sét), đường Giải Phóng (bê tông Thịnh Liệt - Vận tải hàng hóa), Khâm Thiên (từ ngõ Toàn Thắng đến ngõ Lệnh Cư), Nguyễn Khuyến (trước cửa Trường PTCS Lý Thường Kiệt), Nguyễn Lương Bằng (từ số nhà 115 đến Công ty xe đạp Đống Đa), Thái Thịnh (cổng Viện châm cứu), ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, ngã ba Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngã tư Thái Hà - Tây Sơn, Lê Trọng Tấn, ngã ba Trường Chinh - Tôn Thất Tùng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoát nước mùa mưa 2010: Vẫn là vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.