(HNMO) – Tận thu cơm, phở, thức ăn thừa để chăn nuôi lợn đã trở thành một nghề mưu sinh của không ít gia đình tại khu vực ngoại thành Hà Nội.
Việc tận thu cơm, phở, thức ăn thừa để chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn đã xuất hiện ở Hà Nội cách đây hơn 20 năm. “Đội quân” tham gia nghề này là những người nông dân ở khu vực ngoại thành, nhất là các làng quê ven đô. Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, hầu hết các gia đình ở nông thôn đều chăn nuôi lợn và mang tính chất nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ nuôi 1- 2 con trong chuồng nhằm tận dụng nguồn thức ăn thừa của gia đình trong sinh hoạt hằng ngày hay cám từ xay xát thóc gạo và rau, bèo trồng, thả quanh nhà. Kinh tế phát triển đã thúc đẩy ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn phát triển theo. Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở nông thôn cũng có điều kiện để phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Bởi vậy, những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ 5- 7 con lợn/lứa vẫn còn.
Trong khi đó, tại khu vực nội thành các dịch vụ ăn uống phát triển ngày càng mạnh. Lượng thức ăn thừa thãi tại các nhà hàng, khách sạn, quán cơm, phở bình dân trong nội thành rất lớn. Đây chính là điều kiện để người dân tại các vùng ven đô vốn năng động, chăm chỉ và chịu khó nghĩ đến công việc tận thu thức ăn thừa để phục vụ chăn nuôi lợn. Với không ít người, việc tận thu thức ăn thừa để chăn nuôi là việc làm đầy ý nghĩa vì không để bỏ phí “ngọc thực”. Bên cạnh đó, họ cũng góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường.
Hình ảnh những người đi xe đạp hoặc xe máy, đằng sau đèo thêm 2 - 3 thùng nhựa, phi nhựa chở cơm, phở, thức ăn thừa từ nội thành về nuôi lợn đã quá đỗi quen thuộc. Hàng ngày, từ sáng tinh mơ cho đến mờ tối, ta vẫn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc đó.
Ông Nguyễn Văn Hiên (53 tuổi, ở thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) là người có thâm niên hơn chục năm trong nghề này cho biết, thời gian đầu gia đình tôi phải đi thu gom 3 – 4 quán cơm, phở mới đủ mỗi ngày một chuyến. Nhưng đến nay, tôi đã tìm được một nhà hàng lớn nên mỗi ngày cũng đủ một chuyến để nuôi 10 – 12 con lợn. Theo ông Hiên, Thời gian đầu, khi còn ít người tham gia vào việc tận thu cơm, phở, thức ăn thừa, thì phần lớn các chủ quán cơm, phở, nhà hàng chỉ mong có người đến xin để đỡ phải đổ đi. Nhưng cùng với thời gian, khi có đông người đi chở thì họ bán để thêm tiền thu nhập. Hiện nay, ông phải đặt mua cơm, phở, thức ăn thừa của nhà hàng mỗi tháng 500 nghìn đồng.
Hình ảnh của quen thuộc của những người chở cơm, phở, thức ăn thừa về chăn nuôi lợn |
Ông Hiên cho biết, gia đình ông vẫn phải đi lấy bèo, khoai và mua thêm bột ngô, bột sắn để nấu cùng cơm, phở, thức ăn thừa cho lợn ăn. Mỗi năm gia đình ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa 10-12 con, trừ chi phí, mỗi tháng thu về khoảng 2 triệu đồng.
Nghề chở cơm, phở, thức ăn thừa cũng khá vất vả. Dù trời nắng hay mưa, nóng bức hay giá rét, ngày nào cũng như ngày nào, người chăn nuôi lợn vẫn phải đi chở, vì nếu nghỉ 1 - 2 ngày thì lợn đói.
Tại nhiều làng quê ven đô, không ít gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhờ nuôi lợn với nguồn thức ăn tận thu từ cơm, phở thừa, sau một vài năm kinh tế đã khá giả hơn. Ông Nguyễn Đức Long ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, cách đây gần 20 năm kinh tế gia đình ông cũng khá eo hẹp. Hai vợ chồng làm ruộng, trong khi phải nuôi 3 đứa con ăn học. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Hồi đó, nhà ông cũng nuôi lợn, nhưng chỉ nuôi 2-3 con/lứa để tận dụng cám bã xay xát gạo và rau, bèo trong vườn. Để tháo khó, vợ chồng ông đã mở rộng chăn nuôi bằng cách đi vào nội thành thu mua cơm, phở, thức ăn thừa của các hàng quán. Càng ngày, quy mô chăn nuôi của gia đình ông càng được mở rộng. Bên cạnh nuôi lợn thịt, ông còn nuôi lợn nái để chủ động con giống. Đến nay, gia đình ông đã xây được nhà cửa kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi; kinh tế gia đình rất khấm khá. Hiện nay, mặc dù đã gần 60 tuổi, nhưng ông vẫn đều đặn hàng ngày đi xe máy vào nội thành chở cơm, phở thừa về nuôi lợn.
Một nghề giúp nhiều gia đình ở ngoại thành Hà Nội thoát nghèo |
Theo những người chăn nuôi lợn, nếu nuôi lợn bằng nguồn thức ăn cơm, phở thừa thì lợi nhuận mà người chăn nuôi thu được cao hơn, ổn định hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp, vì người chăn nuôi luôn chủ động, không phụ thuộc nhiều đến giá cả thức ăn chăn nuôi lên xuống thất thường. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi không được lớn như chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Ở một số vùng ven đô, có gia đình đã biết kết hợp cả 2 hình thức chăn nuôi này để tăng lợi nhuận. Để tiện cho việc chuyên chở, họ mua cả ô tô tải nhỏ để chở cơm, phở, thức ăn thừa thu mua của các nhà hàng, khách sạn lớn trong nội thành…
Có thể nói, việc chở cơm, phở, thức ăn thừa về chăn nuôi lợn là nghề xóa nghèo đối với không ít gia đình ở ngoại thành Hà Nội. Với nhiều người, ngoài chở thức ăn, cơm, phở thừa, họ còn tìm thêm việc làm phụ cho các quán cơm, phở để có thêm thu nhập hàng tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.