Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát hiểm trong gang tấc

Thùy Dương| 30/09/2016 05:43

(HNM) - Chính phủ Liên bang Mỹ vừa thoát khỏi nguy cơ bị đóng cửa trong gang tấc khi Thượng viện nước này vào phút chót thông qua dự luật cấp kinh phí tạm thời (CR).


Với kết quả 72 phiếu thuận và 26 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 28-9 (giờ địa phương), các cơ quan Liên bang Mỹ đã có thể duy trì hoạt động từ ngày 1-10 tới 9-12. Bước đột phá này đạt được sau khi các nghị sĩ của lưỡng đảng Mỹ nhất trí về gói cứu trợ giúp thành phố Flint của tiểu bang Michigan giải quyết cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt. Dự luật CR cũng bao gồm khoản kinh phí 1,1 tỷ USD cho cuộc chiến chống dịch vi rút Zika và 500 triệu USD cho chương trình cứu trợ trận lụt ở bang Louisiana và một số bang khác.

Chính phủ Liên bang Mỹ vừa thoát khỏi nguy cơ bị đóng cửa trong gang tấc sau khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ cho thành phố Flint.



Trước đó, dự luật CR không đề cập đến khoản 220 triệu USD hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nước sạch tại thành phố Flint, bang Michigan. Đây là nguyên do khiến 40 Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và 2 Thượng nghị sĩ độc lập tuyên bố phản đối dự thảo cho đến khi đảng Cộng hòa đồng ý giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Flint suốt hơn 2 năm qua. Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng thiếu công bằng trong việc hỗ trợ cho các vùng bị lũ tàn phá mà không giải quyết vấn đề ở Flint. Điều này đặt Chính phủ Mỹ vào thế “nguy hiểm” bởi nếu dự luật chi tiêu tạm thời không được thông qua thì một số cơ quan Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa do hết ngân sách hoạt động.

Khủng hoảng ô nhiễm nguồn nước ở Flint bắt đầu từ năm 2014 khi bang Michigan quyết định tiết kiệm ngân sách bằng cách chuyển nguồn cung cấp nước cho thành phố này từ hồ Huron ở Detroit sang sông Flint, dòng sông chảy qua thành phố và nổi tiếng nhiều rác. Con sông này từng bị ô nhiễm rất nặng và nước sông có tính ăn mòn cao hơn so với nước hồ Huron. Thế nhưng, khiếu nại của người dân bị chính quyền phớt lờ. Tháng 2-2015, các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Tech tiến hành thử nghiệm độc lập tại một hộ gia đình và phát hiện hàm lượng chì trong nước ở mức từ 200ppb (1ppb = 1µg/l) đến 13.200ppb. Trong khi hàm lượng chì tối đa cho phép trong nước uống của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10ppb. Lúc này, Bộ Tư pháp tiểu bang Michigan đã tiến hành điều tra và phát hiện cơ quan chịu trách nhiệm xử lý nước làm sai lệch kết quả xét nghiệm, khiến số liệu về ô nhiễm nước thấp hơn những gì thực sự diễn ra. Kết quả kiểm tra sức khỏe của nhiều người dân cho thấy nồng độ chì trong máu của họ quá cao, trong đó có nhiều trẻ em. Sự kiện đã khiến cả nước Mỹ phẫn nộ.

Để trấn an người dân, đích thân Tổng thống Barack Obama đã tới thành phố Flint nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời mở gói hỗ trợ liên bang nhằm giúp khu vực này tìm các giải pháp thoát khỏi tình trạng ô nhiễm. Bộ An ninh Nội địa và cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ đã cung cấp nước, máy lọc và thùng đựng nước cho cư dân Flint. Đảng Dân chủ ở cả hai viện trong Quốc hội cũng như các nhà lập pháp đại diện bang Michigan muốn Chính phủ có hành động nhanh hơn để giúp người dân ở Flint nên kiên quyết yêu cầu “gói viện trợ Flint” phải được phê duyệt trong dự luật chi tiêu tạm thời. Cuối cùng, các bên cũng vượt qua được bất đồng sau khi các Thượng nghị sĩ Cộng hòa cam kết ủng hộ đề xuất này trong khuôn khổ một dự luật khác trước cuối năm nay.

Từ chỗ suýt nữa phải ngừng hoạt động vì một... nguồn nước bị ô nhiễm, sự thỏa hiệp đạt được vào phút chót đã tránh cho Chính phủ Mỹ rơi vào thế tê liệt như đã từng xảy ra hồi năm 2013. Sự đồng thuận tại Đồi Capitol được chính giới và dư luận Mỹ mong chờ trong bối cảnh xứ Cờ hoa cần vận hành ổn định và tập trung nguồn lực cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới - một sự kiện chính trị quan trọng nhằm lựa chọn người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới trong 4 năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoát hiểm trong gang tấc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.