Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát hiểm trong gang tấc

Thùy Dương| 04/03/2011 07:19

(HNM) - Nhằm tránh cho các cơ quan liên bang bị ngưng hoạt động từ hôm nay (4-3) do ngân sách cạn kiệt, ngày 2-3, Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật chi tiêu tạm thời trong 2 tuần sau khi được Hạ viện bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 335/91.

Thỏa thuận tạm thời giữa Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo này sẽ cắt giảm 4 tỷ USD từ ngân sách liên bang năm nay. Chỉ 2 giờ sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật đã được Tổng thống Barack Obama ký thành luật ban hành.

Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật chi tiêu tạm thời giúp nhiều cơ quan liên bang không phải đóng cửa vào hôm nay (4-3).


Đây là một trong những dự luật "ngắn ngày" nhất trong lịch sử hành pháp Mỹ khi hiệu lực chỉ đến hết ngày 18-3 tới. Dẫu vậy, nó cũng đủ giúp Quốc hội và chính quyền Tổng thống Obama có thêm thời gian để đi đến thống nhất về ngân sách cho tài khóa 2011; đồng thời được xem là sự hợp tác nhanh chóng hiếm có từ trước tới nay giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Trong lịch sử nước Mỹ, tình trạng chính phủ liên bang phải đóng cửa do không có ngân sách đã từng xảy ra vào năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Khi đó, chính phủ liên bang phải đóng cửa 5 ngày trong tháng 11, tháng 12 và đến tháng 1 năm sau phải đóng cửa tới 21 ngày. Trong thời gian chính phủ liên bang đóng cửa, ngoài Nhà Trắng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông thì nhân viên các ban, ngành khác đều nghỉ không lương hoặc bị sa thải.

Hiện tại, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD mà luật pháp nước này quy định. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu của Chính phủ Mỹ vẫn rất lớn. Tình thế này đặt Quốc hội và Chính phủ Mỹ trước hai lựa chọn khó khăn. Thứ nhất là Quốc hội Mỹ phải một lần nữa thông qua một dự luật cho phép nâng giới hạn nợ; thứ hai là, chính phủ nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế 738 tỷ USD trong 6 tháng cuối của năm tài khóa.

Trong khi đó, lựa chọn thứ nhất đã bị người dân phản đối nhiều nhất ngay trước khi Quốc hội Mỹ nhóm họp (tháng 1). Bởi lẽ, trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần sử dụng luật tăng giới hạn nợ mỗi khi nợ quốc gia tăng lên quá cao. Và mỗi lần như vậy đều có một kết thúc như nhau: giới hạn nợ mới luôn bị phá vỡ. Vì thế, Tổng thống B.Obama đưa ra cam kết giảm một nửa thâm hụt ngân sách của nước Mỹ trong năm 2013 và cắt bớt 1,1 nghìn tỷ USD trong một thập niên tới bằng cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Tuy nhiên, bản dự chi ngân sách này đã vấp phải sự phản đối của những người Cộng hòa; đồng thời Hạ viện Mỹ ngày 19-2 đã bỏ phiếu cắt giảm 61 tỷ USD chi tiêu liên bang đến cuối tháng 9-2011 trong tổng số ngân sách mà Tổng thống B. Obama đề nghị là 3,7 nghìn tỷ USD. Ngay lập tức, Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã bác bỏ sự cắt giảm này và Tổng thống B.Obama cũng dọa sẽ dùng quyền phủ quyết khi cho rằng cắt giảm chi tiêu quá sớm và quá nhiều có thể gây hại tới tiến trình phục hồi kinh tế. Trong khi đó, chuyên gia dự báo kinh tế hàng đầu của Mỹ Mark Zandi ngày 1-3 vừa qua đã công bố báo cáo nhận định việc cắt giảm ngân sách do Hạ viện thông qua nếu thực hiện sẽ làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP thực trong năm 2011 và 0,2% tăng trưởng GDP trong năm 2012. Điều này có nghĩa là khoảng 400.000 việc làm sẽ bị mất vào cuối năm 2011 và đến cuối năm 2012 con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi. Ông Zandi cho rằng, nếu cắt giảm chi tiêu của Chính phủ như các nghị sỹ Cộng hòa đề xuất sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi nền kinh tế Mỹ. Số liệu thống kê cho biết, khoảng 8 triệu việc làm của người Mỹ đã bị mất kể từ khi bắt đầu suy thoái kinh tế vào cuối năm 2007. Đây là cuộc khủng hoảng việc làm được cho là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II mà người Mỹ  đang phải đối mặt.

Không còn nhiều thời gian cho nước Mỹ khi mà "cuộc chiến" cắt giảm ngân sách vẫn đang là vấn đề "nóng" giữa đảng con Voi và con Lừa. Cú thoát hiểm ngắn ngủi vừa qua của ngân sách liên bang được xem là một khởi đầu thuận lợi giúp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thu hẹp bất đồng để tiếp tục đưa nước Mỹ đi tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoát hiểm trong gang tấc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.