(HNM) - Luật Viên chức vừa được công bố và có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, lập tức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi lẽ nó tác động trực tiếp đến 1.657.470 con người, làm việc trong 52.241 đơn vị sự nghiệp (con số này tính đến cuối năm 2009).
Luật này đã làm rõ khái niệm "công chức" và "viên chức" lâu nay còn chưa được phân biệt rạch ròi, kéo theo không ít hệ lụy. Khác với công chức, viên chức được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc điểm nghề nghiệp của viên chức là không mang tính quyền lực công mà chủ yếu là mang tính chuyên môn, nghề nghiệp. Nói cách khác, đội ngũ cán bộ công chức và đội ngũ viên chức Nhà nước đều là nguồn nhân lực công, nhưng điểm khác nhau cơ bản là đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động luôn gắn với thực thi công vụ, gắn với quyền lực Nhà nước, còn viên chức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
Quy định của luật đã cho thấy sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức là "việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc". Và đây chính là vấn đề cốt lõi, là nền tảng cho việc thay đổi cơ chế quản lý.
Khoan nói đến những điểm đáng chú ý của Luật Viên chức là quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức cùng với các quy định chuyển tiếp... đến nay vẫn có không ít ý kiến khác nhau về việc thực thi bộ luật này như cơ chế kiểm tra, tránh lạm quyền, tiêu cực… Nhưng dù thế nào đi nữa cũng phải thấy rằng, sau hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh Cán bộ, công chức, thực tế đã xuất hiện khá nhiều bất cập. Thực trạng việc tổ chức, tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chậm có không ít vấn đề. Các quy định về pháp lý không theo kịp với nhu cầu phát triển, do vậy chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo của viên chức… Và cũng vì vậy việc ban hành và sớm đưa Luật Viên chức vào thực thi là hết sức cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý có giá trị cao cho việc xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Có bộ luật riêng sẽ tạo ra một cơ chế thoáng hơn cho việc quản lý đội ngũ viên chức bởi không còn ràng buộc bởi những quan hệ về công quyền. Viên chức có thể chuyển đổi vị trí làm việc, có thể yêu cầu phụ cấp, đồng lương theo tác nghiệp, theo chức năng, nhiệm vụ… Nhưng viên chức cũng phải chịu những ràng buộc khác, cũng như phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt và không ngừng nỗ lực. Cơ chế thoáng chắc chắn sẽ tạo ra những động lực mới và đương nhiên cũng là thách thức với không ít người đã quen với hai từ "biên chế" để "sớm cắp ô đi, tối cắp ô về". Tuy nhiên, đó là điều cần thiết trong tiến trình tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.
Đưa Luật viên chức vào thực thi chính là cụ thể hóa việc đổi mới cơ chế quản lý theo chế độ việc làm, đề cao năng lực bên cạnh phẩm chất đạo đức… Sẽ khó khăn với không ít người nhưng đây chính là động lực phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.