(HNM) - Ngày 19-9, Trung tướng James Terry, Phó phụ trách Bộ Chỉ huy hỗn hợp của liên quân tại Afghanistan đã lệnh cho binh lính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng vô thời hạn các chiến dịch chung với những đơn vị sở tại có binh sĩ ít hơn số lượng một tiểu đoàn 800 người.
Việc cộng tác với các đơn vị nhỏ hơn sẽ phải được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể và được chấp thuận bởi các chỉ huy khu vực theo thông báo của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF). Viên tướng của NATO nêu rõ, quyết định cắt giảm các hoạt động chung với lực lượng Afghanistan là nhằm "đáp trả" làn sóng "tấn công nội bộ" nhằm vào binh sĩ nước ngoài tại quốc gia Nam Á này.
Việc NATO quyết định ngừng vô thời hạn các chiến dịch chung với quân đội Afghanistan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm an ninh ở quốc gia Nam Á này. |
Với mệnh lệnh mới nhất của NATO có thể hiểu từ nay quân đội Afghanistan sẽ phải hoạt động đơn độc. Động thái này dự báo sẽ tác động đáng kể tới kế hoạch chuyển giao an ninh của NATO cho Afghanistan trước khi rút quân vào cuối năm 2014, bởi lực lượng ISAF không làm nhiệm vụ tổ chức các khóa huấn luyện, chuyển giao thiết bị cho quân đội Afghanistan. Trong bối cảnh chính quyền Kabul đang thanh lọc lực lượng an ninh và làn sóng biểu tình bạo lực chống Mỹ phản đối bộ phim xúc phạm đấng tiên tri Mohammad vẫn chưa kết thúc thì quyết định của NATO làm dấy lên lo ngại về tương lai của Afghanistan.
Lệnh án binh bất động của tướng J.Terry được đưa ra sau hàng loạt "cuộc tấn công nội bộ" khiến hơn 50 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng và các vụ tấn công như vậy xuất hiện ngày một nhiều. Có những vụ chưa từng xảy ra trước đó như Taliban nhằm vào một căn cứ không quân lớn ở miền Nam Afghanistan phá hoại 6 máy bay Mỹ. Chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, các vụ tấn công đã làm ít nhất 6 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng. Trong một thông cáo, ISAF thừa nhận thời gian qua có nhiều binh sĩ nước ngoài thương vong trong các cuộc tấn công được cho là do binh sĩ chính phủ Afghanistan thực hiện. Các vụ tấn công như vậy khiến một số thành viên trong liên minh gồm cả Pháp đẩy nhanh kế hoạch rút các đơn vị chiến đấu về nước trước thời hạn năm 2014...
Để trấn an người dân Afghanistan, Thời báo Washington dẫn lời người phát ngôn các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, Trung tá John Harrell cho biết, hoạt động huấn luyện sẽ được tạm ngừng trong khoảng 1, 2 tháng để điều tra khả năng có hay không người của Taliban cài vào hàng ngũ cảnh sát. Tuyên bố tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc, ngày 19-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng, các cuộc "tấn công nội bộ" gây thương vong lớn liên tiếp xảy ra ở Afghanistan là nỗ lực hấp hối cuối cùng của Taliban sau khi đã thất bại trước liên quân. Và ISAF cùng Mỹ sẽ thực hiện việc chuyển giao an ninh cho Afghanistan đúng như kế hoạch. Cùng với đó, trong cuộc thảo luận trực tuyến với người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai, ngày 19-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan sẽ không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng hiện nay trong quan hệ Mỹ và các nước Hồi giáo hay các vụ tấn công của binh sĩ Afghanistan nhằm vào liên quân tại nước này. Washington cam kết sẽ duy trì hợp tác với Kabul trong quá trình chuyển giao quyền bảo đảm an ninh cho chính quyền sở tại...
Tuy nhiên, sự kiện NATO quyết định hoãn hợp tác vô thời hạn với hầu hết các đơn vị chiến đấu và tuần tra của lực lượng an ninh Afghanistan sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quá trình chuyển giao quyền bảo đảm an ninh cho chính phủ nước này vào năm 2014. Bởi từ nay cho tới đó, sự bất đồng giữa hai bên sẽ tạo ra "mảnh đất màu mỡ" để các phần tử Taliban và Al-Qaeda trỗi dậy mạnh mẽ, gieo rắc nỗi kinh hoàng hơn trong dân chúng Afghanistan. Thậm chí, dư luận còn lo ngại, Taliban sẽ từng bước giành quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Khi đó, tiền của và sinh mạng binh sĩ liên quân do Mỹ đứng đầu đổ vào chiến trường này sẽ trở nên vô ích.
Rõ ràng, cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan mà NATO và Mỹ triển khai đang gặp phải không ít khó khăn. Sự vắng bóng của đội quân "lê dương" hùng mạnh vào bậc nhất thế giới liệu có để lại cho quốc gia Nam Á này một nền hòa bình như mong muốn đang là câu hỏi ngỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.