(HNM) - Hoạt động chuyển giá, né thuế của các tập đoàn đa quốc gia, có cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam những năm gần đây có xu hướng gia tăng với việc doanh nghiệp (DN) báo lỗ lớn nhưng vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Riêng năm 2013, Tổng cục Thuế đã ra quyết định giảm lỗ 10.430,6 tỷ đồng sau khi thực hiện thanh tra thuế tại các DN. Tại hội thảo quốc tế "Thực tiễn quản lý các thỏa thuận trước về giá tính thuế-APA" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, cơ chế APA sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế các nước và cơ quan thuế với các công ty đa quốc gia.
Ông Đặng Tuấn Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong xu hướng toàn cầu hóa đã và đang phát triển nhanh, từ những năm 2000 đến nay, giao dịch của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn đã chiếm tới 70% hoạt động kinh tế quốc tế, đạt khoảng 6.000 tỷ USD/năm. Trong đó, giá chuyển nhượng trong nội bộ các công ty là vấn đề "nóng" được đặc biệt quan tâm, thậm chí trở thành thách thức đối với cơ quan thuế các nước.
Các chiêu thức chuyển giá, né thuế được các tập đoàn đa quốc gia thực hiện tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu, việc kê khai giá trị máy móc, trang thiết bị đưa vào đầu tư tại Việt Nam, kể cả vấn đề chuyển giao công nghệ, bản quyền thương hiệu, nguyên vật liệu… đều có thể xảy ra chiêu thức chuyển giá thông qua việc kê giá cao hơn thực tế để tăng chi phí đầu vào. Ở đầu ra, khi tiêu thụ sản phẩm hoặc điều chuyển nội bộ, xảy ra hiện tượng chuyển giá khiến sản phẩm làm ra có giá cao nhưng bán giá thấp trong nội bộ để biến lãi thành lỗ… Đứng trước thực trạng đó, cuối năm 2013, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện APA, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm tăng cường năng lực quản lý thuế, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước thông qua hoạt động chuyển giá.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia, mục tiêu quan trọng nhất của APA đối với cơ quan thuế là giải quyết tranh chấp về thuế kịp thời với chi phí thấp, độ tin cậy cao nhất; góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cán bộ thuế, giảm thiểu việc phải tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên. Ông Colin Clavey - chuyên gia tư vấn cao cấp về APA của Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, muốn đạt được thỏa thuận APA thành công thì cả cơ quan thuế và người nộp thuế (NNT) cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi bước vào đàm phán. Nhưng điều quan trọng đối với cơ quan thuế, đó là muốn thỏa thuận thành công APA với từng NNT, cán bộ thuế trực tiếp đàm phán với DN phải là người có trình độ, am hiểu sâu sắc ngành, lĩnh vực và phạm vi các APA do DN đề nghị áp dụng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải có hệ thống cơ sở dữ liệu đối chiếu phong phú, thường xuyên được cập nhật làm nền tảng, căn cứ cho quá trình đàm phán về APA với DN.
Dưới một góc nhìn khác, ông Yoshiyuki Nakagawa - chuyên gia giá chuyển nhượng của JICA (Nhật Bản) nêu ý kiến, Việt Nam có nhiều đầu tư nước ngoài nên việc áp dụng các APA song phương sẽ thích hợp hơn, bởi điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ quan thuế và DN đầu tư vào Việt Nam. Việc đàm phán song phương sẽ giúp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan thuế đối tác. Tuy nhiên, trong thời gian đầu khi cơ sở pháp lý, kinh nghiệm và hệ thống thông tin dữ liệu còn thiếu, chưa đồng bộ thì không nên áp dụng APA ồ ạt trong tất cả các ngành, lĩnh vực, mà chỉ nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực cơ quan thuế có đủ cán bộ năng lực, kinh nghiệm và có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt để áp dụng APA. Trên cơ sở kết quả đạt được, cơ quan thuế cần tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm rồi mới triển khai nhân rộng APA với nhiều lĩnh vực.
Tại hội nghị về APA vừa diễn ra cuối tháng 2 tại Hà Nội, đại diện cơ quan thuế của 13 quốc gia, các chuyên gia tư vấn về thuế đều khẳng định, APA là cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất hiện nay trong các trường hợp liên quan đến giá chuyển nhượng. Hiện trên thế giới có 3 loại hình APA, gồm đơn phương, song phương và đa phương. Đa số quốc gia trên thế giới đều đang áp dụng APA đơn phương, đặc biệt là những nước chưa có nhiều kinh nghiệm về APA. Hình thức này giúp cơ quan thuế có điều kiện tốt nhất để xem xét, đối chiếu và đi đến đàm phán cụ thể với từng NNT, trên cơ sở đó đạt được thỏa thuận về APA.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.