(HNM) - Các bên tham chiến tại Yemen đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn dự kiến kéo dài trong 2 tháng, có hiệu lực từ 19h ngày 2-4 (giờ địa phương) và có thể gia hạn nếu các bên tiếp tục nhất trí. Sự kiện này được coi là bước ngoặt đầy triển vọng về khả năng chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được xây dựng dựa trên đề xuất của Liên hợp quốc nhân dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, nhằm “mang tới cho người dân Yemen khoảnh khắc ngơi nghỉ cần thiết, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo” - theo Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg.
Theo thỏa thuận, mọi hoạt động quân sự cả trên bộ, trên không và trên biển thuộc lãnh thổ và các tuyến biên giới Yemen sẽ tạm dừng. Điều này tạo điều kiện khơi thông nhiều hoạt động quan trọng, trong đó sẽ cho phép 18 tàu chở dầu vào các cảng tại Hodeidah; cho phép 2 chuyến bay thương mại hoạt động tại sân bay Thủ đô Sana'a của nước này mỗi tuần. Chính phủ Yemen cũng trả tự do cho 2 tàu chở dầu đang bị tạm giữ. Trong thời gian tới, lực lượng Houthi và Liên quân Ả rập dự kiến sẽ nhóm họp để thảo luận khai thông một số tuyến đường, trong đó có các tuyến dẫn tới thành phố Taiz - một điểm nóng về công tác nhân đạo.
Bày tỏ quan điểm về thỏa thuận ngừng bắn lần này, Ngoại trưởng Yemen Ahmed Awad bin Mubarak nhấn mạnh, lập trường kiên định của Chính phủ Yemen là ủng hộ bất cứ nỗ lực nào nhằm đáp ứng hoạt động nhân đạo, phù hợp với không khí tích cực do các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Trong khi đó, Phát ngôn viên của Houthi Yahya Saree khẳng định lực lượng này sẽ tuân thủ ngừng bắn toàn diện, miễn là các bên liên quan chấp hành nghiêm chỉnh. Trước đó, Liên quân Ả rập do Saudi Arabia dẫn đầu đã thông báo ngừng các hoạt động quân sự tại Yemen.
Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. An ninh trở nên bất ổn sau khi lực lượng Houthi - với sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với tổng thống bị lật đổ - chiếm giữ thủ đô Sana'a vào tháng 9-2014. Tháng 3-2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp quân sự vào Yemen để bảo vệ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Suốt một thời gian dài, hầu hết các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng đều thất bại.
Trong khi đó, xung đột kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến khoảng 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cuộc khủng hoảng nhân đạo này được Liên hợp quốc đánh giá là “tồi tệ nhất thế giới”. Tới nay, khoảng 80% trong số 30 triệu người dân của Yemen đang phải sống nhờ các nguồn cứu trợ. Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, trong số 23,7 triệu người Yemen đang cần được hỗ trợ lúc này có khoảng 13 triệu trẻ em.
Trong bối cảnh đó, lệnh ngừng bắn bắt đầu thực thi được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, nhất là khi các cuộc đàm phán tìm lời giải cho xung đột đang được tiến hành thông qua trung gian là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen H.Grundberg nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn dù là tạm thời nhưng sẽ là tiền đề giảm căng thẳng trong dài hạn. Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ… đều coi đây là bước ngoặt đầy triển vọng, có thể mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.
Dù lối thoát cho xung đột còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên bàn đàm phán tại Riyadh, chiến sự tạm dừng là tín hiệu đáng mừng. Thách thức lớn nhất lúc này là các bên cần giữ được sự kiềm chế, đồng thời duy trì một cơ chế giám sát đủ hiệu quả. Việc thực thi hoàn hảo lệnh ngừng bắn sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho một nền hòa bình bền vững tại Yemen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.