Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thỏa thuận lại” với dòng sông

Trà My| 15/11/2010 06:42

(HNM)- Đây là một nhận định tại hội thảo khoa học vừa được tổ chức với chủ đề:


Nhiều diễn biến bất thường

Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội được hội thảo đề cập có chiều dài khoảng 40km, từ Thượng Cát (Từ Liêm) đến hết địa bàn Vạn Phúc (Thanh Trì). Nghiên cứu trong 10 năm gần đây cho thấy, dấu hiệu dòng sông chuyển dòng sang thế bất lợi đang lộ rõ.


Nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Ảnh:  Nguyệt Ánh

GS-TS Lương Phương Hậu (Viện Khoa học Thủy lợi) cho biết, hiện tượng bồi tụ thành dải cồn cát đã, đang xảy ra mạnh tại trước cửa trạm bơm Ấp Bắc, khu vực đình Chèm, bãi Tứ Liên, bãi Thạch Cầu, bãi Duyên Hà... Trong khi đó, một số công trình chỉnh trị dòng chảy như: cụm 14 mỏ hàn Tầm Xá, cụm kè hướng dòng Phú Gia - Tứ Liên, các mỏ hàn cọc bê tông trên bãi Tứ Liên, Trung Hà, Thạch Cầu... đã xuống cấp nghiêm trọng, làm cho tình hình bồi lắng, sạt lở diễn biến khó lường hơn. Sự thay đổi dòng chảy là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Khu vực xã Hải Bối (huyện Đông Anh), phường Ngọc Thụy - Bồ Đề (quận Long Biên) là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở bờ sông. Ví dụ: sự chuyển hướng của dòng chảy mùa lũ bị khối bê tông, gạch đá khổng lồ do các khu dân cư lấn chiếm bãi tạo ra từ phía bờ phải ép sang; dòng chủ lưu từ kè Phú Gia - Tứ Liên, gặp sự nhô ra của khối bồi đầu bãi Tứ Liên, làm cho địa bàn phường Ngọc Thụy sạt lở nghiêm trọng vài năm gần đây.

Ngoài ra, hiện tượng khai thác cát trái phép, tập kết bãi vật liệu sau khai thác không theo quy hoạch xuất hiện ở rất nhiều nơi gây nguy cơ về mất an toàn đê điều, tính ổn định của cầu vượt sông và dễ gây ô nhiễm môi trường. Cảnh quan môi trường không thể nói gì hơn ngoài hai chữ "tồi tệ" - GS-TS Lương Phương Hậu nhận định.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải Lý (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết: "Kết quả phân tích số liệu cao trình mặt bãi tại 25 mặt cắt ngang từ năm 1979 đến nay cho thấy, cao độ trung bình bãi sông hiện nay đã cao hơn 0,7-0,8m ở bờ trái và khoảng 1m ở bờ phải. Như vậy, báo động 1 sẽ không còn là mức nước bắt đầu tràn bãi nữa. Hiện tượng này phần lớn là do cư dân trong quá trình lấn chiếm bãi sông đã tôn cao nền đất ở và đất vườn. Khi có quá nhiều vật cản trên bãi, dòng chảy lũ tràn bãi lại nông, vận tốc nhỏ sẽ gây ra bồi lắng trên bãi. Việc nâng cao cao trình mặt bãi sẽ làm thay đổi thế sông và kèm theo là giảm khả năng thoát lũ. Hiện tượng hạ thấp mực nước mùa kiệt gây khó khăn đối với giao thông thủy và lấy nước dẫn tưới đang là một loại thiên tai gây nhiều tổn thất không kém lũ lụt mà Hà Nội đang gặp phải".

"Thỏa thuận lại" với dòng sông


Ổn định lòng dẫn ở thế sông có lợi nhất đang là yêu cầu bức thiết để thực hiện các quy hoạch khai thác đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội, hướng đến một Thủ đô hiện đại, văn minh. Đi tìm giải pháp khả thi cho bài toán này đến nay vẫn là thách thức lớn và Hà Nội dường như mới khởi động công việc này.

Theo GS-TS Lương Phương Hậu, ổn định thế sông yêu cầu trước hết phải ổn định lòng dẫn mùa nước có cao trình ngang bãi là điều có tính nguyên tắc. Vì thế đề xuất nạo vét 21,7 triệu mét khối cát để đào sâu lòng dẫn như "Dự án hai bờ sông Hồng" đã đưa ra hoặc mở rộng lòng chính để tăng diện tích thoát lũ là bất khả thi. Chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội phải được xem xét một cách tổng thể, ít ra là từ Sơn Tây đến Hưng Yên và một phần sông Đuống, sông Luộc. "Thành phố nên có ngay quy chế quản lý đối với sông Hồng và xúc tiến thành lập một bảo tàng sinh thái như nhiều nước vẫn làm" - GS-TS Lương Phương Hậu đề nghị.

Thạc sỹ Lê Đức Ngân (Viện Khoa học Thủy lợi) cho rằng, việc chỉnh trị chính là "thỏa thuận lại" với dòng sông. Theo đó, những đoạn phân lạch từ cầu Thăng Long đến cửa sông Đuống và từ cửa sông Đuống đến cầu Thăng Long có thể duy trì hai lạch nhưng cần ổn định lạch chính ở bờ trái để bảo đảm chạy tàu thuận lợi. Những đoạn bờ cong có tác dụng định hướng thế sông như đoạn Tầm Xá, Ngọc Thụy, Thanh Trì chỉ nên sử dụng giải pháp gia cố bờ trực tiếp, không nên sử dụng mỏ hàn, công trình cọc để hướng dòng chảy... Việc điều chỉnh tuyến đê tuy không có tác dụng lớn đến khả năng thoát lũ nhưng từ đó thành phố có thể có thêm quỹ đất cho phát triển đô thị. Riêng đối với vùng bãi, có thể chia thành ba bậc để xây dựng công trình dân sinh, khu vui chơi giải trí theo mùa và đường dạo ven sông vào mùa kiệt như một số nước đã làm rất thành công.

Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội với chiều dài gần 40km là "không gian vàng" của nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường của Thủ đô. Sớm chỉnh trị đoạn sông này để bảo đảm thoát lũ, gia tăng quỹ đất, tạo cảnh quan đô thị là việc làm e rằng không phải là quá sớm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Thỏa thuận lại” với dòng sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.