(HNM) - Nhà văn Hà Phạm Phú vừa ra mắt tiểu thuyết lịch sử "Trưng Trắc" (NXB Văn học ấn hành). Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với tác giả về tác phẩm này cũng như xu hướng tìm về lịch sử của các nhà văn đương đại Việt Nam hiện nay.
Nhà văn Hà Phạm Phú. |
- Thưa nhà văn Hà Phạm Phú, ông có thể tóm tắt đôi nét về cuốn tiểu thuyết “Trưng Trắc” vừa xuất bản?
- “Trưng Trắc” miêu tả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Tiểu thuyết được chia làm ba phần. Phần một - Liên Lâu, tái hiện tình hình xã hội Giao Chỉ thời bấy giờ dưới ách đô hộ của nhà Hán, mối quan hệ giữa các tộc trưởng (Lạc tướng) với tầng lớp quan lại cai trị, rộng hơn nữa là mối quan hệ giữa người dân Giao Chỉ và ngoại bang. Liên Lâu, nơi đặt trị sở của quân đô hộ là một trung tâm chính trị, văn hóa có tầm quan trọng đối với sự phát triển của cả vùng Lĩnh Nam. Vào thời sơ khai ấy, Liên Lâu cũng là đầu mối giao lưu của các nền văn hóa, của Phật giáo và Đạo giáo. Phần hai - Mê Linh, tôi dành nhiều trang miêu tả sự trưởng thành của Trưng Trắc, người anh hùng dân tộc, người đặt nền móng cho nền độc lập của đất nước. Cuộc khởi nghĩa do Trưng Trắc lãnh đạo, sở dĩ có thể nổ ra và giành được thắng lợi trước hết do mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa: Văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai, sau đó là nhờ có sự hưởng ứng của nhiều bộ tộc ở khắp miền Lĩnh Nam. Chúng ta nhớ, xã hội Giao Chỉ khi đó mới thoát khỏi chế độ mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ vẫn có vị trí chủ đạo. Phần ba với tên gọi Lãng Bạc, miêu tả cuộc khởi nghĩa thắng lợi và việc hình thành một nhà nước. Ngoài những nhân vật lịch sử như Trưng Trắc… hay các tướng giặc như Mã Viện, Tích Quang, Tô Định, trong tác phẩm còn có hàng loạt nhân vật bình dân như Trùm Lý, Môn, Nhài, Măng… được khắc họa thông qua đời sống văn hóa hồn nhiên và trí tuệ sắc sảo của nhân gian.
Tiểu thuyết “Trưng Trắc” không nhằm dựng lại những truyền thuyết đã được chấp nhận như là chính sử, mà muốn tìm cách giải mã lịch sử, muốn cắt nghĩa sự vĩ đại ngay cả trong kết cục bi tráng của cuộc khởi nghĩa ấy.
- Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại khó viết vì tác giả vừa phải tôn trọng lịch sử, lại vừa phải hư cấu để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn. Ông đã giải quyết vấn đề này như thế nào trong “Trưng Trắc”?
- Ở trên tôi đã nói ít nhiều đến quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử. Trước khi bắt tay vào viết, điều đầu tiên người viết phải làm cho rõ vai trò của mình - vai trò của nhà văn, tiểu thuyết hóa lịch sử hay khám phá, lý giải… và trên cơ sở đó nhằm chuyển tải thông điệp gì. Dĩ nhiên là có những nguyên tắc chung phải thừa nhận, chẳng hạn như với sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử thì không thể tùy tiện thay đổi. Ví như không thể để Trưng Trắc đi tận Châu Mỹ, Châu Phi để vận động, kết nối đồng minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ai có thể hạn chế nhà văn tung hoành để tạo ra một thế giới nghệ thuật như cách mình khám phá và lý giải.
Về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đã có không ít tác phẩm, bao gồm cả nghiên cứu và sáng tác, có rất nhiều truyền thuyết và diễn ca, có rất nhiều đền thờ và bi ký… nhưng cũng thiếu rất nhiều tư liệu, chính xác là sử liệu về những nhân vật lịch sử, về cuộc khởi nghĩa này. Sử sách Trung Quốc cũng chỉ ghi mấy dòng, hết sức sơ lược. Thiếu sử liệu, dĩ nhiên là khó khăn, nhưng cũng là thuận lợi để nhà văn có thể thả sức tưởng tượng, trên cái nền thành tựu của khảo cổ học, của văn hóa, của những nghiên cứu về Phật giáo, về Đạo giáo…
Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trưng Trắc”. |
- Ông đã ấp ủ tác phẩm này trong bao lâu?
- Lâu nay, tôi đã thích lịch sử. Đến đầu những năm 2000, tôi bắt đầu thu thập tư liệu, định viết một kịch bản phim truyện nhựa, nhưng do khó khăn về đầu tư nên sau chuyển sang viết tiểu thuyết. Tôi mất khoảng ba năm để viết cuốn tiểu thuyết này.
- Qua tiểu thuyết này, ông đã lý giải và khẳng định vị trí của Trưng Trắc trong dòng chảy lịch sử nói chung và Hà Nội nói riêng như thế nào?
- Có thể nói, Trưng Trắc là người nữ anh hùng dân tộc đầu tiên dựng nên một nhà nước độc lập. Trong khắp các vùng của Hà Nội rộng lớn hôm nay, đâu đâu cũng có đền thờ Trưng Trắc. Bên cạnh đó, cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc còn là cuộc vùng dậy vĩ đại đấu tranh cho nữ quyền, chống chế độ phụ quyền. Cuộc đấu tranh đó cho đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn.
- Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ hiện nay dường như chưa quan tâm mấy đến thể loại tiểu thuyết lịch sử. Ông nghĩ gì về điều này?
- Lịch sử là những gì đã qua, mà nếu xóa trắng nó liệu con người có tương lai không? Bạn đọc trẻ không quan tâm mấy đến lịch sử, đến tiểu thuyết lịch sử, lỗi chính là ở những người lớn, lỗi cũng có phần ở nhà văn. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết giả tưởng, cái thế giới nghệ thuật mà nhà văn tạo ra, những thông điệp mà nhà văn gửi gắm liệu có đủ sức thu hút bạn đọc hay không, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng và tầm tư tưởng, tầm văn hóa của nhà văn.
- Ông đã viết khá nhiều, nhưng đây lại là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của ông. Tác phẩm này có vị trí như thế nào trong chặng đường văn chương của ông?
- Thành thực mà nói, tôi viết cả văn xuôi, thơ và kịch bản phim, xem ra không chuyên sâu về cái gì. Sau cuốn tiểu thuyết lịch sử này, tôi làm một tập truyện ngắn, sẽ làm một kịch bản phim, cũng muốn viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Nùng Trí Cao. Với tôi bây giờ, viết là một cách tập thể dục, để chứng tỏ mình vẫn đang sống.
- Xin cảm ơn nhà văn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.