(HNM) - Nhật Bản và Australia vừa đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương sau 7 năm đàm phán để đi đến ký kết FTA trong mùa hè này và hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2015.
Hai thỏa thuận kinh tế vừa đạt được là thành công nổi bật nhất trong chuyến công du ba quốc gia Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong một tuần kể từ ngày 5-4 của Thủ tướng Australia Tony Abbott lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái.
FTA có hiệu lực sẽ giúp thịt bò Australia bán tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc tăng sức cạnh tranh. |
Thực hiện chuyến viếng thăm cùng một đoàn tháp tùng hùng hậu chưa từng có - với đại diện của khoảng 400 doanh nghiệp - đã phần nào lý giải cho thông điệp quan trọng mà vị Thủ tướng thứ 28 của xứ sở Chuột túi đưa ra trước thềm chuyến thăm. "Sự phát triển và tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc vào thương mại mạnh hơn và tự do hơn", lời khẳng định của ông T.Abbott đã cho thấy rõ mục đích chuyến công du quan trọng của ông. Vì thế, việc Australia vừa đạt được hai thỏa thuận thương mại lịch sử với hai nền kinh tế đầu tàu ở khu vực Đông Bắc Á cũng không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích.
Ðể đi đến ký kết FTA, Australia và Nhật Bản phải vượt qua hai trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế đánh vào thịt bò của Australia và ô tô Nhật Bản. "Cửa ải" cuối cùng đã được Thủ tướng T.Abbott và người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe đạt được trong cuộc hội đàm ngày 7-4. Theo đó Canberra sẽ giảm 5% thuế nhập khẩu xe ô tô của Nhật Bản. Đổi lại, Tokyo nhất trí cắt giảm cơ bản thuế nhập khẩu thịt bò từ Australia hiện đang ở mức 38,5%. Là nước nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Australia, chỉ tính riêng năm 2012 có tới 60% lượng thịt bò nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Australia. Với việc nhất trí về FTA, Australia sẽ trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn đầu tiên ký kết FTA với Nhật Bản, quốc gia vẫn chưa mở rộng thị trường nông sản do lo ngại các nhà sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia, với tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm ngoái đạt 70 tỷ USD.
Dù gặp ít trở ngại hơn so với con đường đến FTA của Nhật Bản do Hàn Quốc và Australia đã nhất trí ký kết FTA từ cuối năm ngoái, nhưng thỏa thuận thương mại vừa được ký kết ngày 8-4, trước sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye và Thủ tướng T.Abbott, vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng với cả Seoul và Canberra. FTA vừa được ký kết nâng tổng số các FTA của Hàn Quốc lên con số 10, với tổng số đối tác là 47 nước, trong đó có Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), ASEAN và Ấn Độ. Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, FTA với Canberra sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á bảo đảm được nguồn khoáng sản nhập từ Australia. Bên cạnh đó, việc ký kết FTA song phương sẽ giúp các nhà sản xuất Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp chế tạo ô tô tăng cường tính cạnh tranh tại thị trường Australia. Ô tô là mặt hàng chiếm tới 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Theo đó, Australia sẽ giảm 5% thuế nhập khẩu đối với ô tô được sản xuất tại Hàn Quốc trong vòng 3 năm kể từ khi FTA song phương có hiệu lực. Đồng thời, Australia sẽ xóa bỏ hoàn toàn biểu thuế nhập khẩu đối với ô tô chạy xăng Hàn Quốc có dung tích xi-lanh nhỏ hơn 3 lít, không áp mức thuế 5% đối với các phụ tùng ô tô được sản xuất tại Hàn Quốc trong vòng 3 năm. Australia hiện là nhà nhập khẩu ô tô lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Mỹ, Saudi Arabia và Nga. Đổi lại, Hàn Quốc cũng chấm dứt việc đánh thuế 40% đối với sản phẩm thịt bò của Australia trong vòng 15 năm kể từ khi FTA có hiệu lực, đồng thời miễn thuế 25% trong vòng 5 năm đối với rượu đỏ, trong khi lúa mạch và ngô là 15 và 7 năm. Hiện các sản phẩm thịt bò Australia chiếm tới 55,6% thị phần tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, nhưng để đi đến ký kết một FTA tương tự như với Nhật Bản và Hàn Quốc, thì cả Australia và Trung Quốc phải vượt qua nhiều trở ngại do hai bên chưa đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề. Thế nhưng, sự hiện diện của Thủ tướng T.Abbott tại Bắc Kinh sẽ là một động thái quan trọng nhằm xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với người khổng lồ kinh tế Châu Á, sau một thời gian không mấy nồng ấm liên quan đến một số vấn đề an ninh và quốc phòng. Do đó, hai thỏa thuận thương mại quan trọng vừa đạt được chính là thành quả nổi bật trong chuyến công du Đông Bắc Á lần này của nhà lãnh đạo xứ sở Chuột túi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.