Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thờ ơ sẽ phải trả giá đắt

Thế Phương| 28/03/2011 06:35

(HNM) - Trong khi động đất và sóng thần tại Nhật Bản gieo nỗi kinh hoàng với những hệ lụy chưa biết đến bao giờ mới có thể khắc phục, dư luận lại một phen âu lo trước trận động đất bất ngờ tại Myanmar với dư chấn lan tới tận Việt Nam. Những thảm họa thiên tai liên tiếp diễn ra trên thế giới đã cho thấy trái đất đang oằn mình cùng những vết thương và thiên tai có thể xảy ra với bất cứ quốc gia nào.


Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận động đất và các hiện tượng biến đổi khí hậu với tư cách của người trong cuộc. Việt Nam không nằm trong vùng bị tổn thương bởi những trận động đất và sóng thần vừa qua nhưng động đất đã từng xảy ra và không chỉ là mối âu lo của người Hà Nội trong thời điểm này. Chúng ta đã có một thực tế xót xa với trận động đất tại Điện Biên năm 2001 có tâm chấn cách trung tâm thành phố 15km đã làm khoảng 2.000 trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở bị đổ, nứt... Nếu như các công trình kia có tính đến yếu tố kháng chấn, liệu thiệt hại có lớn như vậy? Và điều gì đã được rút ra sau bài học đó?

Hà Nội có hàng trăm khu tập thể cũ, xây dựng từ những năm 1990 trở về trước với tiêu chuẩn xây dựng cũ và đến bây giờ không ai dám khẳng định về độ an toàn nếu động đất xảy ra với cường độ tương đương với các trận động đất ở Kẻ chợ - Kinh kỳ vào các năm 1276, 1278 và 1285 mà lịch sử ghi lại (khoảng 5,1-5,5 độ richter). Chưa kể nhà dân xây theo lối tự phát, tự thiết kế… Đáng lo ngại hơn, trong số người đang sống trong các khu nhà "ọp ẹp" ấy không mấy người có ý thức đề phòng thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai (như động đất chẳng hạn). Thực tế là trong cơn rung lắc của đủ mọi loại chung cư cũ, mới cách đây mấy hôm, hàng nghìn người đã tháo chạy khỏi nhà để xuống những khoảng trống bé tẹo do chủ đầu tư chừa ra cho giao thông. Điều gì sẽ xảy ra nếu một khu nhà ụp xuống?

Việc kiểm tra khả năng kháng chấn, đặc biệt là ở những chung cư cũ là rất cần thiết, thậm chí cần có những khảo sát nghiên cứu chi tiết với từng khu chung cư, từng đập nước, cây cầu… để có cách ứng xử phù hợp với những công trình đã xây dựng. Điều này đã được Chính phủ đặt ra nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Một vấn đề hết sức cấp bách là xây dựng một tư duy mới về ứng xử trước thiên tai. Cùng với đó là những cơ chế bắt buộc, ví như tại những vùng có nguy cơ động đất, cơ quan chức năng chỉ cấp phép xây dựng cho những ngôi nhà rõ phương án kháng chấn trong thiết kế… Một vấn đề quan trọng nữa là hình thành các kỹ năng đối phó với thiên tai từ trong gia đình tới toàn xã hội. Điều này, chúng ta có thể học được rất nhiều ở người dân Nhật Bản.

Rõ ràng với trình độ khoa học hiện nay, việc cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là động đất vẫn là thách thức với nhiều quốc gia, thậm chí là cả những quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, thiên tai ngày càng nhiều và ngày càng khó dự đoán, việc hình thành một tư duy ứng phó với thiên tai của toàn xã hội và trong mỗi người dân là hết sức cần thiết. Nếu chúng ta vẫn giữ thái độ thờ ơ, chậm trễ thì hậu quả là sẽ phải trả giá đắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thờ ơ sẽ phải trả giá đắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.