Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thờ ơ đến bao giờ?

Ánh Tuyết - Phương Hoàn| 28/10/2011 06:50

(HNM) - Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong những điều kiện quan trọng để nông sản của từng địa phương được quảng bá và nâng cao giá trị thương phẩm khi đưa ra thị trường.


Quá ít sản phẩm được bảo hộ thương hiệu

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Tạ Quang Minh cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp với khoảng 800 sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Hầu như mỗi địa phương, vùng, miền đều có sản phẩm đặc trưng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 giấy chứng nhận và 24 CDĐL được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nổi tiếng, như chè Tân Cương, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang hỗ trợ, hướng tới cấp bảo hộ CDĐL cho 53 sản phẩm nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Với việc được bảo hộ về SHTT, nhiều loại nông sản đã có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân, điển hình là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), sau khi được cấp CDĐL, doanh thu của mặt hàng này không ngừng tăng, từ mức 450 tỷ đồng năm 2007 lên 800 tỷ đồng năm 2011.


Cà phê Buôn Ma Thuột là sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ. Ảnh: Chí Lâm

Ngoài việc có rất ít sản phẩm được bảo hộ thương hiệu, điều đáng nói là chỉ một số ít CDĐL có được hệ thống quản lý và kiểm soát trên thực tế, dẫn đến tình trạng sử dụng trái phép tràn lan các sản phẩm đã đăng ký CDĐL. Cụ thể, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường, thậm chí ở Thái Lan cũng sản xuất "nước mắm Phú Quốc". Thương hiệu bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ đã được đăng ký CDĐL nhưng giống bưởi này được trồng khắp nơi cũng lấy tên "bưởi Đoan Hùng". Điều đó cho thấy, tình trạng thực thi pháp luật SHTT có rất nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng tên gọi cho nông sản và dịch vụ liên quan đến nông sản không chỉ là đăng ký bảo hộ mà còn phải được bảo vệ, chăm sóc, bồi dưỡng lâu dài nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng của sản phẩm, dịch vụ và chủ thể tạo ra chúng. Ở giai đoạn mới phát triển thị trường, một doanh nghiệp nhỏ đơn độc với một nhãn hiệu sẽ gặp khó khăn về chi phí cũng như khả năng tiến hành thủ tục đăng ký và theo dõi hành vi xâm phạm của các đối thủ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp với một nhãn hiệu tập thể sẽ khắc phục được các khó khăn đó, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh. Sau khi đã thiết lập được vị thế cho nhãn hiệu tập thể đó, mỗi doanh nghiệp sẽ phát triển nhãn hiệu riêng của mình cùng với và dưới ô nhãn hiệu tập thể nói trên. Đáng tiếc là vấn đề này chưa được cộng đồng doanh nghiệp nước ta quan tâm.

Vẫn cảnh "cha chung không ai khóc"

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO), số lượng nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký quốc tế là rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cũng ở tình trạng tương tự khi cả nước có hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản nhưng đến năm 2011 mới có hơn 20 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận dùng cho nông sản, trong đó 12 giấy chứng nhận được cấp. Đây là con số quá khiêm tốn với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam.

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, tình trạng này là do người dân cũng như các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký CDĐL. Chỉ đến khi quyền lợi bị xâm phạm, cụ thể là bị các doanh nghiệp khác chiếm đoạt tên sản phẩm gây tổn thất kinh tế nặng nề mới quan tâm đến đăng ký SHTT thì đôi khi đã muộn. Ngay cả khi nhãn hiệu CDĐL đã được đăng ký ở nước ngoài rồi, doanh nghiệp Việt Nam cũng không biết. Chẳng hạn như trường hợp địa danh "Buôn Ma Thuột" bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký tại Trung Quốc cũng là do một công ty tư vấn sở hữu công nghiệp phát hiện ra.

Được biết, Cục SHTT đã nhiều lần cảnh báo về việc đăng ký CDĐL đối với những thương hiệu thuộc sở hữu tập thể, cộng đồng. Vì nếu chậm chân, sản phẩm nổi tiếng của ta bị nước ngoài chiếm dụng, sau đó họ được pháp luật SHTT quốc tế bảo hộ, gây khó khăn cho công tác xuất khẩu. Tuy nhiên, mọi cảnh báo đến nay dường như vẫn chưa mấy tác dụng. Thương hiệu thuộc sở hữu tập thể, cộng đồng mà điển hình là CDĐL dường như luôn rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc". Những thương hiệu này thường trực thuộc hội, hiệp hội các nhà sản xuất và muốn đăng ký thì tất cả các thành viên phải đồng lòng.

Có hai hình thức, một là doanh nghiệp, các tổ chức đăng ký trực tiếp tại nước sở tại thông qua các tổ chức đại diện SHTT. Cách thứ hai là đăng ký thông qua hệ thống nhãn hiệu quốc tế Madrid mà Việt Nam là thành viên thông qua việc nộp hồ sơ tại Cục SHTT. Cục sẽ có trách nhiệm thông báo và chuyển hồ sơ cho văn phòng quốc tế để chuyển về các nước xin đăng ký. Kinh phí để đăng ký bảo hộ độc quyền trên toàn hệ thống hiện mất khoảng 1.000 - 2.000 USD, bảo hộ trong thời gian 10 năm. Thời gian xem xét hồ sơ đăng ký SHTT trong nước là 1 năm và nếu đăng ký ra nước ngoài sẽ cần khoảng từ 14 - 16 tháng.

Ông Lưu Đức Thanh (Trưởng phòng CDĐL - Cục SHTT) cho biết, hiện nay pháp luật về SHTT của Việt Nam còn thiếu quy định về tổ chức chứng nhận sản phẩm và các quy định về biểu tượng chung cho nông sản. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và đòi hỏi cần phải có sự thay đổi về chính sách trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thờ ơ đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.