(HNM) - Giữa lúc quan hệ song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh (sau vụ Ankara bắn hạ máy bay cường kích Su-24 của Mátxcơva ngày 24-11), quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với láng giềng Iraq ngày càng
Căng thẳng không dừng lại ở những tranh cãi ngoại giao, Chính phủ Iraq đã ra "tối hậu thư" buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ra khỏi lãnh thổ nước này trong 48 giờ - tức là hết ngày 8-12 theo giờ địa phương - nếu không, Baghdad sẽ sử dụng mọi biện pháp, gồm cả cầu viện Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp.
Binh sĩ và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập biên giới Iraq. |
Vụ việc nổ ra từ cuối tuần qua sau khi khoảng 150 binh sĩ và hơn 20 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ vượt biên giới vào Iraq, sau đó tiến tới khu vực Bashiqa, gần thành phố Mosul ở miền Bắc của Iraq - hiện bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng. Mục đích cuộc xâm nhập theo phía Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang người Kurd ở Iraq chống lại phiến quân. Thế nhưng, động thái bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Iraq. Tổng thống nước này Fuad Masoum đòi Ankara rút ngay các lực lượng khỏi lãnh thổ Iraq và ngăn chặn tái diễn hành động tương tự. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq", một "hành động thù địch" và đòi quốc gia này tôn trọng quan hệ láng giềng và rút ngay binh sĩ khỏi Iraq. Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Baghdad để yêu cầu rút quân ngay lập tức.
Trước sự phản đối dữ dội của Iraq, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã gửi một bức thư cho người đồng cấp Iraq Haider al-Abadi rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gửi thêm quân cho tới khi những quan ngại của Baghdad được xoa dịu. Trong bức thư khẩn cấp này, ông A.Davutoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Iraq trong việc phối hợp và tham vấn nhưng không đáp ứng yêu cầu của Baghdad về việc rút ngay binh sĩ. Thủ tướng A.Davutoglu bác bỏ thông tin cho rằng hoạt động triển khai quân sự là để chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ nhằm vào IS; đồng thời cho đó là hành động nhằm "hoạt động luân chuyển thường xuyên" liên quan tới chương trình đào tạo và tăng viện quân số nhằm chống lại các rủi ro an ninh.
Giới phân tích cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa hàng trăm quân vượt biên giới Iraq cuối tuần qua là bước đi mạo hiểm mới của Ankara sau vụ bắn hạ máy bay cường kích Su-24 của Nga. Là một cường quốc Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo. Vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều quân tới Bashiqa được cho là nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, đây còn là một nỗ lực của Ankara nhằm duy trì vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Trong khi đó, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng xấu đi khi Mátxcơva mở chiến dịch không kích dữ dội ở khu vực biên giới phía Bắc Syria và tuyên bố xóa sổ các nhóm phiến quân hoạt động ở đây. Chiến dịch quân sự trả đũa của Nga gây thiệt hại nặng nề cho các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng và tiếng nói của Ankara. Vì thế, việc đưa quân đến gần Mosul không ngoài mục đích trấn an các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực rằng, họ không đơn độc và đây cũng là một thông điệp mạnh gửi tới Nga.
Thời gian qua quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia láng giềng Iraq đã được cải thiện nhưng vẫn còn không ít bất đồng liên quan tới quan hệ giữa Ankara với khu vực tự trị người Kurd ở phía Bắc Iraq cũng như sự khác biệt trong lập trường hai nước về cuộc nội chiến ở Syria. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ lén lút đưa quân đến khu vực Bashiqa sẽ càng khoét sâu thêm bất đồng giữa hai quốc gia láng giềng đều là "đồng minh" của Mỹ tại Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.