Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thợ cầu Thủ đô trên đất Kiên Giang

Văn Thành| 07/02/2014 07:01

(HNM) - Công ty cổ phần Xây dựng cầu 12 vừa hoàn thành hai cây cầu lớn là cầu Cái Lớn bắc qua sông Cái Lớn và cầu Cái Bé bắc qua sông Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, vượt trước tiến độ hơn 3 tháng.



Cầu đã chính thức thông xe ngày 22-1-2014, kịp thời phục vụ giao thông vận tải trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Đây là hai công trình mang ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Giáp Ngọ của những người thợ cầu Thủ đô Hà Nội trên đất Kiên Giang.

Cầu Cái Bé - một trong những công trình do Công ty CP Xây dựng cầu 12 thi công. Ảnh: Khuất Quang Huy


Những chuyến phà cuối cùng

Sau gần 2 giờ bay từ Hà Nội đến Cần Thơ, khi chúng tôi xuống sân bay đã có xe của Ban điều hành các dự án Miền Tây, thuộc Công ty cổ phần Xây dựng cầu 12 ra đón. Đã hơn 9h sáng, đường về Kiên Giang còn xa nên Giám đốc Công ty Ngô Văn Toản giục xe đi ngay kẻo muộn. Vượt qua trăm kilômét đường bộ, khi đến Ban chỉ huy công trường cầu Cái Lớn thuộc dự án Hành lang ven biển phía Nam, đoạn Minh Lương - Thứ Bảy, đã gần 12h trưa. Đón chúng tôi là hai kỹ sư cầu đường, Khuất Quang Huy, Đội trưởng Đội thi công cầu Cái Lớn và Phạm Cảnh Toàn, Đội trưởng Đội thi công cầu Cái Bé, đều thuộc Công ty cổ phần Xây dựng cầu 12.

Đội trưởng Khuất Quang Huy cho biết hai cây cầu gần nhau, bắc qua sông Cái Lớn và sông Cái Bé đều là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, nối huyện Châu Thành với huyện An Biên tỉnh Kiên Giang. Đoạn đường Minh Lương - Thứ Bẩy là dự án hợp phần quan trọng thuộc Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam, từ Hà Tiên - Kiên Giang đến Cà Mau, nguồn vốn EDCF Hàn Quốc, do nhà thầu KUK DONG của Hàn Quốc làm tổng thầu. Công ty cổ phần Xây dựng cầu 12 - là đối tác của KUK DONG - thi công cầu. Cầu Cái Lớn dài gần 720m; cầu Cái Bé dài gần 520m, đường dẫn hai đầu cầu và đường đi qua cù lao giữa sông dài khoảng 1km; mặt cầu rộng 12m. Cầu có tải trọng thiết kế HL93. Công trình được khởi công ngày 14-5-2011. Đến nay đã hoàn thành trước tiến độ 3 tháng, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật, phục vụ giao thông của vùng Tây Nam và TP Rạch Giá tỉnh Kiên Giang với vùng bán đảo Cà Mau.

Rời Ban chỉ huy công trường, chúng tôi lên xe đi thăm cầu. Hai cây cầu cách nhau không xa, vươn mình sừng sững trong nắng trưa, in bóng trên sông. Có thể nói, vào ngày 21 tháng Chạp năm Quý Tỵ này, xe chúng tôi là một trong số ít ỏi ô tô được vượt cầu qua sông, bởi Cầu đã hoàn thành nhưng chưa được lệnh thông xe. Nắng lấp lóa trên sông, cách cầu không xa, phía bên kia bán đảo, những chuyến phà trên tuyến phà Tắc Cậu - Xẻo Rô lặc lè chở người và xe nhẫn nại qua sông. Hai dòng sông cách nhau không xa trở thành điểm ngắt trên tuyến đường này từ bao đời nay khiến cho giao thông trở nên cách trở.

Chúng tôi tới bến Xẻo Rô để qua sông bằng phà. Ngay bến phà là tấm bia chiến thắng Xẻo Rô. Bia ghi rõ: Đêm 30-10-1959, tại Xẻo Rô, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, đơn vị đặc công của tiểu đoàn Ngô Sở, tiền thân của tiểu đoàn 207 anh hùng, đã tiến công tiêu diệt cơ quan đầu não Chi khu và quận Kiên An, nay là An Biên, diệt 100 tên, diệt tên Quận trưởng ác ôn, thu nhiều chiến lợi phẩm. Xẻo Rô là chiến thắng diệt Chi khu quân sự đầu tiên của địch ở miền Nam có ý nghĩa góp phần mở màn cho cao trào đồng khởi toàn dân nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ nông thôn ở Kiên Giang và miền Nam.

Trên bến phà, dòng ô tô đỗ chờ hàng dài, hỏi chuyện mới biết thời gian đi phà từ bờ Xẻo Rô sang bờ bên kia mất hơn 30 phút, 8 chiếc phà chạy liên tục nên cũng không phải chờ lâu. Nhưng, vào những dịp lễ tết, nhất là vào những ngày áp Tết này, lượng ô tô chở hàng hóa, hành khách tăng cao, ô tô xếp hàng dài. Anh Nguyễn Văn Được, phụ xe khách liên tỉnh biển số xe 68B-00416 cho biết, vào dịp xe cộ qua lại nhiều, thời gian chờ để đưa xe lên được phà đến phát ớn. Có lần anh phải chờ 3 giờ mới đưa được xe lên phà…

Chiều muộn rồi, chúng tôi đang đi trên một trong những chuyến phà cuối cùng của Bến phà Tắc Cậu - Xẻo Rô.

Không còn là niềm mơ ước

9h sáng ngày 22-1, bến phà Tắc Cậu - Xẻo Rô ngừng hoạt động. Cùng lúc đó, tại ngã ba Minh Lương, điểm giao giữa quốc lộ 61 và quốc lộ 63, lệnh thông xe đã được phát ra. Cả trăm chiếc xe máy của những nguời đi đường đã chờ trước đó nay hân hoan, lần lượt nối đuôi nhau vào tuyến, qua cầu vượt sông; tiếp đó là ô tô các loại. Ít phút sau, dòng xe từ phía bên kia nối nhau sang… Niềm mơ ước bao đời của những người dân vùng này có cầu bắc qua sông để việc đi lại được thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đã trở thành hiện thực. Nhịp cầu đã nối những bờ vui.

Chừng 30 phút sau khi thông xe, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cùng đoàn cán bộ các ngành chức năng của tỉnh tới kiểm tra việc thông tuyến. Nhìn những dòng xe tấp lập lại qua, không ai giấu được niềm vui. Ngay tại ngã ba Minh Lương đầu tuyến, Chủ tịch Lê Văn Thi chỉ đạo cán bộ các ngành chức năng về các công việc để chuẩn bị chu đáo cho lễ khánh thành công trình này vào ngày 8-2…

Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam được đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Việc khánh thành hai cây cầu lớn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thời gian qua việc xây dựng, nâng cấp nhiều công trình giao thông như sân bay Rạch Giá, sân bay Phú Quốc, xây dựng đường hành lang ven biển phía Nam, đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc... đã tạo điều kiện thuận lợi để Kiên Giang và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập.

Sau khi hoàn thành công trình này, đội cầu của Khuất Quang Huy sẽ xây cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền Giang. Đội cầu của Phạm Cảnh Toàn sẽ chuyển về trung tâm TP Rạch Giá để cùng đơn vị bạn thi công cầu tại trung tâm thành phố, tiếp tục ghi dấu ấn của mình trên đất Kiên Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thợ cầu Thủ đô trên đất Kiên Giang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.