(HNM) - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông giữa phương tiện đường bộ và đường sắt, gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Nguyên nhân vẫn là ý thức người tham gia giao thông kém, đường ngang trái phép nhiều. Tuy nhiên, một số vụ tai nạn giao thông đường sắt gần đây cho thấy những dấu hiệu bất thường.
Đầu năm tai nạn bất thường
Một vài năm gần đây, sau dịp Tết Nguyên đán và vào mùa lễ hội, cưới hỏi đầu năm, số vụ tai nạn đường sắt có dấu hiệu diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đạt Tường cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, số vụ tai nạn đường sắt giảm mạnh so với Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Thế nhưng, ngay sau đợt nghỉ Tết, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Riêng ngày 3-2, đã xảy ra 3 vụ nghiêm trọng. Đáng chú ý là vụ một xe khách 16 chỗ cố tình vượt đường ngang tại Bắc Hồng, Đông Anh bị tàu hỏa đâm phải, khiến lái xe thiệt mạng, 4 hành khách bị thương, xe hư hỏng nặng. Được biết, khi tàu gần đến, một bên gác chắn đã đóng, bên kia đang được kéo lại, nhưng lái xe vẫn cố tình lao qua.
Đường ngang dân sinh không có rào chắn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ảnh: Phương Huệ
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua diễn biến khá bất thường so với năm 2011. Sự bất thường thể hiện ở chỗ, xảy ra ở những nơi không quá nguy hiểm và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Xác định rõ trách nhiệm để nâng cao ý thức
Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) Phạm Văn Bình cho biết, năm 2011, cả nước xảy ra hơn 500 vụ tai nạn đường sắt, làm 271 người chết, 353 người bị thương, tăng trên cả 3 tiêu chí so với năm 2010. Các vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn làm chậm giờ tàu, hỏng đường sắt, đầu máy, toa xe, ô tô, xe máy. Thống kê cho thấy, 96,4% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt do ý thức người tham gia giao thông kém, 84,9% số vụ tai nạn ở đường ngang xảy ra tại điểm mở trái phép. Những nguyên nhân này đã được ngành đường sắt "điểm mặt" nhiều năm qua, nhưng đáng tiếc vẫn chưa được khắc phục. Ý thức của người tham gia giao thông thật không dễ điều chỉnh, thay đổi, đòi hỏi không chỉ tuyên truyền, giáo dục mà cả cưỡng chế, xử phạt. Tuy nhiên, dường như công tác này đang còn nhiều hạn chế, nếu không muốn nói bị bỏ ngỏ. Luật Đường sắt đã quy định cả mức xử phạt người tham gia giao thông đường bộ có hành vi vi phạm như cố tình vượt chắn, nhưng trên thực tế thì gần như không phạt.
Đường ngang dân sinh mở trái phép diễn ra ở nhiều nơi, nhưng việc xử lý cũng chưa quyết liệt, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết, trên hơn 1.700km đường sắt Bắc - Nam có khoảng 1.400 đường ngang hợp pháp, nhưng số đường ngang bất hợp pháp là khoảng 5.000 điểm. Đó là chưa kể đến tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đáng tiếc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương gần như bất lực và chấp nhận sự tồn tại trái phép nói trên. Cá biệt, có nơi, đã làm xong đường gom dân sinh, rào chắn, nhưng rất chật vật để đóng đường ngang bất hợp pháp. Sau 4 năm thực hiện kế hoạch lập lại trật tự an toàn hành lang đường bộ, đường sắt của Chính phủ, kết quả cũng chưa như mong muốn.
Bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi người dân. Năm nay, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm tối thiểu 10% tai nạn giao thông đường sắt trên cả 3 tiêu chí. Nếu nhìn lại nguyên nhân các vụ tai nạn, chắc hẳn mình ngành này sẽ khó thực hiện được. Do vậy, cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc chung tay bảo đảm an toàn giao thông nói chung, đường sắt nói riêng. Chừng nào còn trách nhiệm chung chung thì không chỉ người dân mà ý thức của mỗi cơ quan chức năng, địa phương cũng sẽ hạn chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.