(HNM) - Sáng 1-12, Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy tổ chức hội nghị lần thứ tư đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ thứ nhất, giai đoạn 2009-2012...
Lễ bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy. |
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Theo đánh giá, nhiệm kỳ thứ nhất, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã có nhiều nỗ lực triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường được đẩy mạnh và thực hiện khá quyết liệt. Trong năm 2010, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra đối với 33 cơ sở và 23 khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính trên 3,55 tỷ đồng. Năm 2011, tiến hành thanh tra đối với 59 cơ sở ngoài khu công nghiệp và 14 khu công nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh trong lưu vực, lập biên bản xử lý 26 đơn vị vi phạm với số tiền gần 1,3 tỷ đồng…
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ thứ nhất Nguyễn Thế Thảo đánh giá, với những nỗ lực của các bộ ngành và địa phương, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có xu hướng cải thiện hơn, nhưng mức độ cải thiện chưa đáng kể, các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước đối với sông Nhuệ vẫn vượt quá giới hạn B1 của QCVN 08: 2008/BTNMT và đối với sông Đáy vẫn vượt quá giới hạn A1 của QCVN 08: 2008/BTNMT. Tiến độ triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ở hầu hết các địa phương và bộ, ngành còn rất chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngoài khó khăn tài chính, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do cơ chế và quyền hạn hoạt động của ủy ban hạn chế. Các quyết định, kết luận của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chưa có tính ràng buộc về pháp lý, chưa giải quyết được các vấn đề cụ thể, đặc biệt là các vấn đề bức xúc về môi trường mang tính liên vùng. Việc triển khai xây dựng các dự án cụ thể tại địa phương cũng chưa được quan tâm đúng mức... Kế hoạch thực hiện các nội dung của đề án mới được tỉnh Hà Nam và Nam Định phê duyệt, các tỉnh, thành phố còn lại chưa xây dựng. Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhất là tỉnh Hòa Bình và Hà Nam.
Cần có các giải pháp tổng thể để bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy. |
Nỗ lực cho công tác quy hoạch
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, quy hoạch rất quan trọng, có tính chất khởi đầu, dẫn đường và đóng vai trò quyết định trong triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường. Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội triển khai hàng loạt quy hoạch, phấn đấu hoàn thành để đạt được các mục tiêu trước mắt và lâu dài. Hà Nội đã có quy hoạch thủy lợi, các nội dung đều gắn với việc bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy. Sắp tới, UBND TP Hà Nội tiếp tục thông qua quy hoạch chất thải rắn, nước thải... Để bảo đảm các quy hoạch của các địa phương phù hợp với tổng thể trên toàn tuyến, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đề nghị các bộ, ngành sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tới năm 2015, định hướng đến năm 2020; quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn và hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030... Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị kiểm tra, xử lý triệt để hơn nữa việc xả rác, xả nước thải ra sông, đồng thời bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành đập Thanh Liệt (Hà Nội). Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, một số quy hoạch liên quan đến chất thải, nước thải đang hoàn thành, đây là những quy hoạch khó, phải cập nhật số liệu của các địa phương nên chậm so với yêu cầu, Bộ Xây dựng quyết tâm quý I-2013 sẽ hoàn thành. Ông Mai Văn Thái đề nghị, khi có quy hoạch thì Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy cần xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, tập trung triển khai các dự án trọng điểm và các địa phương xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết của mình...
Liên quan đến cơ chế, chính sách, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, cơ bản nhất phải xây dựng cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư vào các dự án, chương trình lớn để khắc phục ô nhiễm môi trường, tôn tạo cảnh quan. Trong các cơ chế huy động nguồn lực từ đất đai, tài chính, khoa học công nghệ và quản lý thì quan trọng nhất là nguồn lực tài chính. Nếu chỉ trông vào nguồn kinh phí hạn hẹp của ngân sách thì rất khó, các địa phương phải căn cứ vào quy định của luật để yêu cầu cơ sở sản xuất, DN phải chấp hành và bỏ kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm để góp phần vào tổng thể khắc phục ô nhiễm. Ngoài ra, huy động nguồn sẵn có từ đất đai, tài nguyên bên cạnh dòng sông để tạo nguồn thu bổ sung cải tạo sông Nhuệ - sông Đáy.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chính thức nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ thứ hai (2013-2015). Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cam kết tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.