(HNMO) - Đối với các doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhanh về doanh thu, mà điển hình tại Việt Nam là các DN FAST500, áp lực về vốn đối với họ là rất lớn.
Thực tế cho thấy, DN tăng trưởng nhanh có thể dựa vào khá nhiều yếu tố khác nhau (mô hình) như dựa vào vốn, dựa vào nhân lực nhiều giá rẻ, dựa vào công nghệ nói chung (như kỹ năng quản trị, khoa học, công nghệ…). Trong đó, các nền kinh tế như Việt Nam, DN tăng trưởng thường dựa vào yếu tố vốn (nhất là vốn ngân hàng) và tất nhiên tình trạng khó khăn về vốn thường là vấn đề của DN tăng trưởng.
Đa phần vốn của DN dựa vào ngân hàng
Theo khảo sát gần đây nhất vào cuối năm 2012 được thực hiện bởi Vietnam Report, đa phần đại diện của các DN lớn và DN tăng trưởng (VNR500, FAST500) cho rằng, nguồn huy động vốn của họ chủ yếu vẫn là từ ngân hàng (76,04% số DN được hỏi). Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp của năm 2012 chỉ khoảng 8-9% so với 2011, và sơ bộ đến hết quý 1- 2013 tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể cho thấy dường như ngân hàng – DN vẫn đang trên con đường đi tìm nhau.
Hiện tại nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải trải qua giai đoạn khó khăn, DN cũng ít nhiều bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng thua lỗ khá nhiều. Nhưng chắc chắn không ai có thể phủ định “DN trước tiên phải tự cứu lấy mình trước khi chờ được cứu”. Có một số ý kiến cho rằng, DN khá thụ động, vẫn hi vọng và chờ đợi Nhà nước cứu trợ hoặc ngân hàng xóa nợ, giãn nợ, giảm lãi suất…
Hơn nữa, thời gian vừa qua xuất hiện khá nhiều ý kiến đề nghị nới lỏng chính sách tiền tệ (NHNN bơm tiền vào nền kinh tế) để cứu khu vực này, khu vực kia; hay một giải pháp về tài khóa như hỗ trợ về thuế (gói cứu trợ), và kể cả một loại kiến nghị khá “độc chiêu” là áp thuế tiền gửi để nắn dòng vốn vào bất động sản... Miễn bàn về sự đúng sai của những ý kiến này, nhưng rõ ràng nó phản ánh thực trạng rằng “khu vực này” hay “khu vực kia” đang “khát tiền”. Nhìn về tổng thể, sự chờ đợi của DN cũng có thể là hợp lý khi tình hình khó khăn kéo dài quá lâu và mọi vấn đề đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của DN; trong khi đó, Nhà nước bao giờ cũng được kỳ vọng là người là ổn định hóa, người có năng lực nhất trong việc đối phó với các cú sốc lớn.
DN – Ngân hàng: sự kết nối phải từ hai phía
Thực tế cho thấy, trong điều kiện hiện nay, nếu trong cuộc “đi tìm nhau giữa ngân hàng và DN” mà chỉ có một phía, có lẽ khó có thể thấy điểm giao thoa. Về phía DN, đặc biệt là các DN sau một thời gian tăng trưởng mạnh và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, rõ ràng cần có sự thay đổi, ví dụ như thay đổi phương thức làm ăn, hay cung cách ứng xử với đồng vốn, thay đổi về quản trị…
Chẳng hạn, sự cải thiện về quản trị hiện nay là rất cần thiết cho việc đảm bảo và duy trì tài trợ từ các nhà đầu tư (cổ đông) và các chủ nợ (ngân hàng và người cho vay khác). Các nghiên cứu thực tế cho thấy, nếu DN vận hành theo quan điểm “lấy vốn nhiều để thay cho quản trị” thì những DN tăng trưởng nhanh sẽ càng trở nên rủi ro, không chỉ riêng cho bản thân DN mà rủi ro cho cả ngân hàng, các chủ nợ khác và rộng hơn là cả nền kinh tế.
Quan sát hành vi đầu tư của DN Việt Nam cho thấy một quan ngại khác: mức độ chấp nhận rủi ro của các DN Việt là khá cao. Biểu hiện của tình trạng chấp nhận rủi ro cao là việc nhiều DN đã và đang bị lún rất sâu vào lĩnh vực bất động sản, và trong đó mức độ đòn bẩy tài chính rất cao.
Công bằng mà nói, nếu chỉ “bênh vực ngân hàng” mà không có yêu cầu gì đối với ngân hàng, chẳng bao giờ NH và DN sẽ gặp được nhau. Câu hỏi có thể đặt ra cho ngân hàng là: Các ngân hàng đã làm gì để giảm lãi suất? Tại sao khi DN thua lỗ, ngân hàng lại lãi? Tại sao khi khó khăn mà các NHTM lại không ngừng mở rộng chi nhánh (kể cả mở chi nhánh ở nước ngoài)? Tại sao gần đây các NHTM không tiết giảm chi phí mà lại có cách ứng xử rất mới là tìm mọi cách để phân bổ chi phí vào công chúng (như tình trạng gần đây ngân hàng đẻ ra nhiều khoản phí như vậy (như phí ATM, phí tài khoản...)?
Nhìn từ góc độ chính sách, trong năm 2012, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các NHTM (mà các NHTMNN phải là tấm gương tiên phong) thực hiện cắt giảm thật mạnh các chi phí không cần thiết, có giải pháp bền vững giảm lãi suất, tập trung vốn cho vay đối với nền kinh tế và rõ ràng đó là cách phù hợp và thực tế để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế và cụ thể là chia sẻ khó khăn với DN trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Điều này cũng tương tự như việc Nhà nước yêu cầu DN điện (hay kể cả DN xăng dầu…) phải tiết kiệm chi phí không cần thiết hay chi phí bất hợp lý để giảm giá thành, là cơ sở để giảm giá bán thành phẩm.
Bên cạnh đó, cần hạn chế việc các NHTM góp vốn đầu tư vào các công ty tài chính như công ty chứng khoán, bất động sản (một cách khá dễ dãi như thời gian qua), vì bản chất vốn của ngân hàng là vốn ngắn hạn, như vậy sẽ đảm bảo để các ngân hàng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nhất là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và sản xuất hàng xuất khẩu... Mặc nhiên khu vực DN cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh nhưng người ta vẫn cần phía ngân hàng khẳng định sự tập trung nguồn vốn tín dụng cho sự tăng trưởng bền vững của các DN và cho nền sản xuất nước nhà.
Gần đây, NHTM có khuynh hướng gia tăng rõ rệt đầu tư vào trái phiếu chính phủ mà bỏ qua DN (huy động của hệ thống ngân hàng vẫn tăng đáng kể, nhưng cho vay nền kinh tế tăng chậm hay giảm đi mà tăng phần cho Chính phủ vay). Theo thống kê từ báo giới, tính đến 15-3-2013, tăng trưởng tín dụng vẫn còn âm khoảng 0,18 - 0,2%, tức là vẫn chưa thể cải thiện so với 2-2013, cho thấy một sự tương quan giữa thực trạng nền kinh tế và phản ứng của NHTM khi chỉ số tín nhiệm của DN đang kém đi (rủi ro gia tăng).
Theo các chuyên gia, tình trạng “ngân hàng cài số lùi tín dụng” trong khi cho vay Chính phủ lại gia tăng phản ánh dòng vốn ngân hàng đang chảy sang khu vực Chính phủ, do nền kinh tế khó khăn và rủi ro hơn nhưng cũng cho thấy vấn đề hoạt động ngân sách đang gây tác động chèn lấn tín dụng
Với tình hình trên, rõ ràng, để NH và DN gặp được nhau một cách thực sự và khơi thông vốn lãi suất thấp cho DN cần các giải pháp tổng thể từ cấp vĩ mô đến cấp vi mô. Những giải pháp cụ thể từ vĩ mô nên là ngân sách nhà nước cần đảm bảo bền vững tránh tình trạng căng thẳng và huy động quá mức từ thị trường nội địa (lấn át vốn của các DN); NHNN tiếp tục điều hành cung ứng tiền theo hướng kiềm chế lạm phát (không bơm tiền quá mức) mà yêu cầu các NHTM phải tiết giảm chi phí một cách nghiêm ngặt (như không mở quá nhiều chi nhánh, xây dựng trụ sở quá nhiều, chi lương thưởng quá mức...).
Từ phía vi mô, bản thân các DN, bao gồm cả các DN tăng trưởng như DN FAST500 cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh, thay vì ưa mạo hiểm (đầu tư quá mức vào các khu vực bong bóng như nhà đất, chứng khoán .. trái ngành/ trái nghề) chuyển sang cung cách kinh doanh cẩn trọng và lâu dài.... Các thay đổi về quản trị DN cần cải thiện theo hướng áp dụng thông lệ tốt nhất. Có như thế, ngân hàng và các nhà đầu tư mới sẵn lòng bơm vốn cho DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.