Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu vốn, nông dân trông vào đâu?

Bạch Thanh| 11/07/2011 07:27

(HNM) - Khó tiếp cận được nguồn vốn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, vay theo các hình thức khác cũng không đơn giản vì lãi suất cao, trong khi vay theo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang có nguy cơ bị siết chặt lại theo hướng thu hẹp đối tượng cho vay…

Vì vậy, hoạt động sản xuất của người dân nông thôn nhiều nơi đang gặp khó khăn.

Nông dân khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn


Khó tiếp cận được nguồn vốn về ưu đãi tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất của người dân nông thôn nhiều nơi đang gặp khó khăn. Ảnh: Thái Hiền



Ở nông thôn, người dân muốn tiếp cận nguồn vốn là hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Trợ giúp người nghèo xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa cho biết: Là một xã thuần nông, đời sống của nhân dân chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều hộ không xoay xở ra vốn để chăn nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất. Nếu vay vốn Ngân hàng (NH) NN&PTNT, ngoài tài sản thế chấp còn phải có phương án sản xuất, kinh doanh… và không phải hộ dân nào cũng tiếp cận được. Nhiều hộ muốn vay từ 20-30 triệu đồng để chăn nuôi cũng khó. Trong khi, hiện giá mỗi con lợn giống đã trên dưới 1,7 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Được, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tảo Dương Văn khẳng định, để có vốn làm ăn, nhiều chị em phải vay ngoài lãi suất lên tới 40%/năm. Không có được nguồn vốn hỗ trợ, người dân phải xoay sang tìm kiếm nguồn vốn khác. Nhiều cá nhân, hộ gia đình còn mang cả sổ đỏ, tài sản đi thế chấp NH vay vốn cũng không dễ và nếu có vay được trong thời điểm này thì cũng chỉ được vay nhỏ giọt.

Anh Nguyễn Văn Thủy, HTX Thương mại và dịch vụ Kỳ Thủy, huyện Sóc Sơn, chuyên kinh doanh cây giống, vật tư nông nghiệp cho rằng, với lãi suất vay vốn trên 20%/năm như hiện nay, HTX không biết xây dựng phương án kinh doanh ra sao để có lãi. Anh cho hay, để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cung ứng vật tư với giá hợp lý cho nông dân được là rất khó do thiếu vốn. Không những thế, khi vào mùa vụ, HTX muốn vay NH để mua vật tư tạm trữ cũng khó có thể tiếp cận được vì hầu hết hệ thống tín dụng khu vực nông thôn đã ít lại luôn trong tình trạng đói vốn. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường nếu không có các kênh tín dụng ưu đãi thì khu vực HTX khó mà trụ vững, phát triển như kỳ vọng, nhất là ở các huyện thuần nông.

Hiện kênh tín dụng của NHCSXH tuy hạn mức thấp nhưng vẫn là kênh quan trọng, giúp nhiều hộ gia đình khó khăn có thể giải quyết các nhu cầu trong đời sống. Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính lấy ý kiến tham gia dự thảo nghị định thay thế Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo dự thảo, chỉ còn người nghèo được vay vốn, điều đó khiến không ít hộ nông dân lo lắng. Còn nguồn vốn của các NH thương mại thì người dân nông thôn rất khó tiếp cận vì các NH này luôn "sợ" người nghèo.

Nguy cơ siết tín dụng nông thôn

Ông Tạ Văn Tự, NHCSXH Hà Nội cho biết: NHCSXH TP đang cho 230.000 hộ dân được vay vốn ưu đãi, dư nợ 3.400 tỷ đồng. Qua kiểm tra, cơ bản các địa phương đều sử dụng vốn đúng mục đích và nguồn vốn này đã trở thành một kênh tín dụng quan trọng ở các xã, thị trấn, nhất là các xã thuần nông, vùng sâu vùng xa đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Một trong những lý do khiến Bộ Tài chính "gom" về còn 3 nhóm đối tượng là do nhận định các chương trình tín dụng ưu đãi có tên gọi khác nhau nhưng cùng mục đích sử dụng vốn cho cùng một đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của các chương trình này, ví dụ, cho vay hộ nghèo góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Đối tượng vay là những hộ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ, được tổ tiết kiệm bình xét và được UBND cấp xã xác nhận vào danh sách đề nghị vay vốn. Hộ nghèo được vay vốn để sử dụng vào mục đích SXKD, tạo thu nhập, tiến tới thoát nghèo. Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn (kể cả chính quy, không chính quy, tại chức, ngắn hạn, dạy nghề). Trong khi đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm quy định: Đối tượng được vay vốn bao gồm tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở SXKD của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại, trung tâm giáo dục lao động - xã hội (gọi chung là cơ sở SXKD).

Liên quan đến việc thu hẹp đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi như dự thảo nghị định đang soạn thảo lấy ý kiến, ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng: "Qua thực tế, những giải pháp bảo đảm an sinh xã hội của chúng ta bắt đầu đi vào cuộc sống và đang phát huy tác dụng. Xu hướng của NHCSXH phải là mở rộng đối tượng, nhằm tiến tới giảm nghèo bền vững không nên thu hẹp đối tượng cho vay. Điều quan trọng là cho vay đúng những người đang cần vốn để thoát nghèo và cho vay như thế nào để người ta sử dụng đồng vốn có hiệu quả". Bên cạnh đó nếu chỉ cho hộ nghèo vay không thì chưa đủ, cần cho thêm các hộ cận nghèo vay vì việc phân định hộ nghèo và cận nghèo là rất khó.

Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một trong những mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo hướng tăng cường hơn nữa cả về quy mô và chất lượng tín dụng.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sau hơn 8 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, ngân hàng này đã tập trung được nguồn vốn khá lớn của Nhà nước vào một đầu mối, tạo được bước đột phá trong công tác hỗ trợ giảm nghèo. Từ 3 chương trình đến nay đã có 18 chương trình tín dụng ưu đãi cho 12 đối tượng chính sách với tổng vốn hơn 91 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 12 lần so với cuối năm 2002). Ngân hàng đã cho vay hơn 10 triệu lượt hộ nghèo, tạo điều kiện hơn 2 triệu lao động có việc làm, giúp gần 2 triệu HSSV nghèo được vay vốn học tập.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn, nông dân trông vào đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.