Cần 1.411 tỷ đồng hoàn thành 6 dự án đang tạm dừng (HNM) - 6/10 dự án nhà ở cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội thiếu vốn phải tạm dừng một phần hoặc chưa thể hoàn thiện. Trong khi đó, theo mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội đến năm 2020
Các dự án nhà ở sinh viên chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ là sự lãng phí lớn. |
Dự án nhà ở sinh viên
tại Khu đô thị (KĐT) Pháp Vân - Tứ Hiệp là một trong hai dự án nhà ở sinh viên tập trung, quy mô lớn được TP Hà Nội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án có 6 khối nhà, khởi công xây dựng từ tháng 10-2009 nhưng đến nay mới triển khai thi công được 5 khối nhà, còn 1 khối nhà (A4) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Trong số 5 khối nhà đã thi công, mới có 3 khối nhà hoàn thành (A1, 5, 6) với tổng diện tích sàn 108.000m2, đáp ứng chỗ ở cho 10.800 sinh viên, đủ điều kiện đưa vào sử dụng trong tháng 12-2014. Hai khối nhà còn lại đã xong phần thô nhưng phải tạm dừng để tập trung vốn hoàn thành 3 khối nhà A1, 5, 6. Được biết, tổng giá trị khối lượng thực hiện tính đến thời điểm tháng 10-2014 khoảng 1.367 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 1.327 tỷ đồng (không kể chi phí hoàn thiện nội thất, thiết bị đầu tư theo phương thức xã hội hóa), song dự án mới được bố trí kế hoạch vốn 1.133 tỷ đồng.
Theo mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải hoàn thành đầu tư xây dựng 1.340.000m2 sàn nhà ở sinh viên (đến năm 2020). Đến nay, nhà ở sinh viên đã đầu tư 363.008m2, cần tiếp tục bổ sung 976.992m2 sàn. Trong đó, 4 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013 với 30.892m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho 4.600 sinh viên, gồm ký túc xá các đại học: Thủy lợi, Việt Hung, Ngoại thương, Nông nghiệp. Hai dự án hoàn thành năm 2014 là khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp và Mỹ Đình II. |
Dự án nhà ở sinh viên tại KĐT Mỹ Đình II, đến nay đã hoàn thành các khối nhà, đưa vào sử dụng trong tháng 12-2014, đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.300 sinh viên. Khối lượng hoàn thành là 865 tỷ đồng, nhưng mới được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ hơn 800 tỷ đồng, còn thiếu 64,4 tỷ đồng để thanh toán nốt giá trị khối lượng hoàn thành. Tình trạng tương tự là dự án ký túc xá Đại học Lâm nghiệp, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 125 tỷ đồng, vốn trái phiếu đã cấp 66 tỷ đồng, nhà trường mới hoàn thiện được tầng 1, 2 của công trình và cần khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện toàn bộ và đưa công trình vào sử dụng. Dự án ký túc xá Đại học Điện lực, mới được cấp 30 tỷ đồng vốn trái phiếu, còn thiếu khoảng 90 tỷ đồng để hoàn thành 3 khối nhà. Dự án ký túc xá Đại học Sư phạm, cần khoảng 34 tỷ đồng để hoàn thành. Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cũng cần 7,2 tỷ đồng để hoàn thành dự án nhà ở sinh viên. Như vậy, tổng cộng 4 dự án nhà ở sinh viên do 4 trường làm chủ đầu tư cần bố trí 191,3 tỷ đồng trong năm 2015 để có thể đưa vào sử dụng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sở dĩ có chuyện dự án dừng vì thiếu vốn, một phần là do nguồn vốn chưa bố trí đủ theo khối lượng hoàn thành, phần khác là do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vì trượt giá nhân công, vật liệu, bổ sung thêm hạng mục. Đơn cử như dự án nhà ở sinh viên tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, thời gian chuẩn bị đầu tư gấp, từ tháng 6 đến 9-2009 đã phải khởi công, nên một số hạng mục, nội dung công việc chưa thể hiện đủ trong dự án đầu tư được phê duyệt. Đặc biệt, giá vật tư, nhân công thay đổi tăng mạnh những năm sau đó đã "góp phần" đẩy chi phí đầu tư vượt mức được phê duyệt (lên tới 1.829 tỷ đồng).
Việc các dự án nhà ở sinh viên chưa được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ như mục tiêu ban đầu của dự án là sự lãng phí lớn. Số tiền không nhỏ từ nguồn trái phiếu chính phủ đã được bỏ ra nhưng nhà vẫn trong tình trạng dở dang, còn sinh viên thiếu chỗ ở, phải thuê trọ tại những khu nhà chật chội, không đủ điều kiện sinh hoạt. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn từng ví tình trạng các dự án nhà ở sinh viên thiếu vốn hoàn thiện đưa vào sử dụng giống như chiếc áo đã may xong chỉ còn thiếu việc thùa khuyết, đơm khuy. Vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu Sở Xây dựng phải tìm ngay phương án xã hội hóa việc hoàn thiện nội thất các khối nhà đã hoàn thành tại dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp và Mỹ Đình II để nhanh chóng đưa vào vận hành. Kết quả, Hà Nội đã chọn được một số đơn vị sẵn sàng đầu tư thiết bị nội thất và làm dịch vụ quản lý, vận hành hai dự án nhà ở sinh viên tập trung này. Hiện đã có 7 trường đại học trên địa bàn đăng ký chỗ ở cho 20.600 sinh viên tại hai dự án, trong đó 6 trường đăng ký sinh viên vào KĐT Mỹ Đình II là Đại học Kiểm sát, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Y Hà Nội, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Đại học Quốc gia; 3 trường đăng ký sinh viên vào Pháp Vân - Tứ Hiệp là Đại học Thăng Long, Y Hà Nội và Học viện Báo chí - Tuyên truyền.
Đối với các hạng mục thiếu vốn, UBND TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ bố trí khoảng 1.411 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu hoặc nguồn vốn khác từ Trung ương cho Hà Nội hoàn thành 6 dự án đang tạm dừng. Trong đó, dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp cần 696 tỷ đồng hoàn thành 5 khối nhà đã thi công; 360 tỷ đồng triển khai tiếp khối nhà A4 còn lại chưa thi công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.