Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu vốn, dự án “đắp chiếu”

Hà Tuấn| 09/05/2012 07:20

(HNM) - Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 69 trường ĐH và CĐ với gần 600.000 sinh viên (SV), trong đó có 80% là người ngoại tỉnh. Mặc dù 1/2 số sinh viên ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở nhưng ký túc xá (KTX) các trường chỉ đáp ứng chưa tới 20%.



Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh và Trường CĐ nghề Hàng hải (cùng nằm trên địa bàn phường Thảo Điền, quận 2) tổng cộng có khoảng 15.000 SV. Tuy nhiên, hệ thống KTX của hai trường mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu chỗ ở của SV. Theo bạn Nguyễn Văn Nam, BCH Đoàn trường ĐH Văn hóa: "Cứ đến mùa tuyển sinh là đội công tác xã hội của trường lại rất vất vả trong việc tìm chỗ trọ cho phụ huynh và thí sinh". Tiến sĩ Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, cho biết: Tổng số SV là hơn 7.000 nhưng KTX của trường chỉ có 30 phòng trọ cấp 4 với 300 chỗ ở, tính ra mới chỉ đáp ứng được… 1/23 nhu cầu của SV. Tương tự, ông Võ Văn Thưa, Giám đốc KTX Trường ĐH Nông Lâm, cho hay, trường này có khoảng 15.000 SV nhưng KTX chỉ có 411 phòng (hơn 3.700 chỗ ở), đáp ứng gần 25% nhu cầu.

KTX Đại học Nông lâm đã xuống cấp nghiêm trọng.


Ngay như KTX ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - vốn được đánh giá là mô hình chuẩn của cả nước, thậm chí được xem như "khách sạn 3 sao"(!),  nhưng cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Theo ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX của ĐH Quốc gia, KTX có 21 tòa nhà, sức chứa trên 10.000 SV. Do mới đáp ứng được 65% nhu cầu của SV toàn khối ĐH Quốc gia nên những năm qua Ban giám đốc chỉ ưu tiên SV ngoại tỉnh, diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt, người vùng sâu vùng xa… vào ở.

Tình trạng KTX cũ xuống cấp trong khi hầu hết các dự án xây dựng mới  còn dở dang cũng đáng bàn. Thực tế thì 30 phòng cấp 4 của Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh không thể gọi là KTX bởi xây dựng từ hàng chục năm nay nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa thì dột, mùa nắng lại nóng gay gắt, đặc biệt là tình trạng úng ngập mỗi khi triều cường… Mười mấy em ở chen chúc trong một căn phòng rộng vài chục mét vuông, ẩm thấp, không có bất cứ trang thiết bị nào để phục vụ nhu cầu học tập của SV, thậm chí internet cũng không có. Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, trường đang xây 2 tòa nhà cao 15 tầng sức chứa 2.000 SV, tổng vốn đầu tư gần 146 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) 125 tỷ đồng; đến nay đã hoàn thành gần 90% khối lượng nhưng vẫn chậm hơn 8 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân do Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công đã khiến dự án gặp khó khăn về vốn (hiện còn thiếu khoảng 63 tỷ đồng); hiện nhà trường đang chờ TP chỉ đạo hướng khắc phục.

Cùng chung cảnh ngộ là Trường ĐH Nông Lâm, các KTX hầu hết xây từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Các dãy nhà A, B, C và D, phòng ở của SV luôn trong tình trạng thấm nước, bong tróc sơn, trần xuất hiện vết nứt... Đặc biệt, do không có chỗ phơi quần áo nên SV cứ mặc sức giăng đầy các cửa sổ, rất mất mỹ quan. Ông Võ Văn Thưa, Giám đốc KTX ĐH Nông Lâm, cho biết, từ năm 2005 trường có đề án xây dựng block nhà 500 chỗ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã thông qua, thế nhưng đến nay dự án vẫn phải "đắp chiếu" để… chờ vốn. Tương tự, dự án xây dựng KTX của ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (cơ sở 2) và ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng đang bị "đóng băng" vì thiếu kinh phí.

Trong 5 dự án đầu tư xây dựng KTX bằng nguồn vốn TPCP (gồm KTX ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, ĐH Văn hóa và ĐH Tôn Đức Thắng, với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, đáp ứng hơn 67.000 chỗ ở cho SV), mới chỉ có tòa nhà B2 của KTX ĐH Quốc gia (828 chỗ ở) và khu A KTX ĐH Tôn Đức Thắng (1.080 chỗ) được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Được biết, nguồn vốn TPCP năm 2011 phân bổ cho TP để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng KTX SV chỉ có 202 tỷ đồng, nhưng thực tế để hoàn thành các dự án nói trên cần khoảng 1.800 tỷ đồng. Do vậy, phải "giải được bài toán" về vốn thì TP và các cơ quan chức năng mới có thể tiếp tục triển khai các dự án xây dựng KTX, từng bước đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho SV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn, dự án “đắp chiếu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.