Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường: Một tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ

Minh Khôi| 20/08/2021 05:08

(HNMCT) - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng gọi Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường (nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Công an, Chủ tịch Chi hội Âm nhạc Công an nhân dân) là “Người làm công việc của tâm hồn”, bởi ở vị tướng đa tài này song hành cả phẩm chất nghệ sĩ và chiến sĩ. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sáng tác nhạc, điêu khắc, viết văn, làm thơ... Riêng trong âm nhạc, tác phẩm “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” của ông được chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường (đứng thứ tư từ trái sang) cùng các ca sĩ thực hiện MV “Người Việt Nam” của ông. Ảnh tư liệu

1. Vào trang facebook của Thiếu tướng Trần Gia Cường lúc nào cũng thấy ông vận trang phục “teen”, mái tóc xoăn bồng bềnh lãng tử khiến ông trông trẻ trung hơn so với tuổi 66 của mình. Quan sát, ngắm nghía kỹ hơn, chẳng mấy ai nghĩ đó là một vị tướng trong ngành Công an nhân dân, chỉ thấy ở ông chất nghệ sĩ đích thực. Chính ông cũng thừa nhận, trong ông luôn có hai con người nghệ sĩ và chiến sĩ song hành.

Nhắc đến Trần Gia Cường, nhiều người còn nhớ đây là sĩ quan chuyên ngành An ninh đầu tiên được kết nạp là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Âm nhạc đến với ông từ thuở bé, khi mới 6 tuổi, Trần Gia Cường đã được tuyển vào lớp Piano hệ 11 năm tập trung đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Nhưng sau đó chiến tranh phá hoại miền Bắc nổ ra, nhà trường phải đi sơ tán ở vùng Yên Dũng (nay thuộc Bắc Giang) và không lâu sau lớp học này giải tán. Mặc dù giấc mơ bay bổng trên phím đàn dang dở, nhưng nó vẫn không ngừng ám ảnh, khắc khoải trong ông một năng lượng chỉ chờ có cơ hội là sẽ thăng hoa.

Thiếu tướng Trần Gia Cường bảo, ông thuộc “tạng” phải đi thực tế, phải có cảm xúc thật ở ngay thời điểm đó thì mới viết được. Bởi thế mà thời gian theo học tại Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân), dịp nghỉ Tết về thăm quê nhà Lạng Sơn, với tâm trạng nao nao khi nhớ về Thủ đô yêu dấu, những nốt nhạc của ca khúc “Đêm chia tay Hà Nội” với ca từ đầy bịn rịn: “Nhớ lắm em ơi đêm chia tay Hà Nội/ Đi bên nhau dưới trời thu êm/ Đêm hôm nay mình lại xa nhau/ Gửi về em khúc hát nơi biên thùy”... đã bật lên trong vô thức. Ca khúc đầu tay ra đời được nhiều bạn bè yêu thích, là nguồn cổ vũ, động viên để ông say mê tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi sâu hơn về âm nhạc.

Thế nhưng, phải đến khi ca khúc “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” ra đời thì tên tuổi của ông mới thực sự được biết đến ở cả trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Ca khúc này đã được Bộ Công an tuyển chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của lực lượng, bên cạnh ca khúc của những tên tuổi lớn như Văn Cao, Phạm Tuyên, Trọng Bằng... Bài hát được ông sáng tác trong thời kỳ 1981 - 1985, khi đang là Đội trưởng Đội An ninh tiền phương sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Trong ca khúc có những lời ca vừa hùng hồn vừa tha thiết như lời thề của lực lượng Công an nhân dân với Tổ quốc, với nhân dân: “Tổ quốc mến yêu ơi, một niềm tin với chúng tôi/ Có chúng tôi giữ yên cuộc sống/ Có chúng tôi người chiến sĩ an ninh tiền phương...”. Hay với phong cách vui nhộn, trẻ trung, ông đã sáng tác ca khúc “Nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông”, với hình ảnh người nữ chiến sĩ dung dị, dễ mến và đầy trách nhiệm dù bài hát không hề nhắc đến cụm từ “cảnh sát giao thông”.

2. Dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2012), Thiếu tướng Trần Gia Cường đã “trình làng” triển lãm điêu khắc mang tên “Dị mộc”, thu hút được sự quan tâm của giới nghệ thuật ở trong và ngoài nước. Ông đã giới thiệu 80 tác phẩm được trình bày theo 3 chủ đề chính: “Dị mộc”, “Rừng” và “Góc nhỏ của tôi”. Đó là những sản phẩm nghệ thuật kết tinh những gì thời gian còn để lại trên thân cây, những đường vân, thớ gỗ tạo nên sự độc đáo mà những chất liệu khác không thể có được. Qua đây, ông mong muốn người dân hiểu thêm về hình ảnh người chiến sĩ Công an qua lăng kính văn hóa - nghệ thuật rất gần với đời sống thường ngày.

Đại sứ Nga tại Việt Nam ở thời điểm đó là ngài Anđrey Kovtun đã nhận xét: “Thông qua triển lãm này, chúng tôi được biết thêm về lịch sử, văn hóa, tầm nhìn của người Việt Nam đối với thiên nhiên đất nước”. Cũng tại buổi triển lãm này, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng: “Có nhiều gợi mở cho âm nhạc”. Nhạc sĩ Cát Vận khẳng định: “Đây không phải là dị mộc mà là hồn ta rủ trong rễ cây, lòng đất ngàn năm”. Còn nghệ sĩ Khắc Huề thì có cách đánh giá nhiều suy ngẫm: “Trong tác phẩm không chỉ có điêu khắc mà ở đó có những giá trị văn hóa, tâm hồn, âm nhạc và điều đặc biệt là triết lý về con người”.

Thỏa sức đam mê nghệ thuật với âm nhạc và điêu khắc, nhưng Trần Gia Cường cũng thừa nhận, đôi lúc có những điều mà ông muốn thổ lộ mà âm nhạc và điêu khắc không giúp ông giải tỏa được, ông lại tìm đến văn chương. Trong cuốn sách “Khi hè chưa qua... đông chưa tới” (Nhà xuất bản Văn học), ông giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu theo 4 phần: Ca khúc, Thơ, Truyện ngắn và Điêu khắc. Thơ, truyện ngắn của ông có những nét riêng, dung dị, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người viết. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: “Một trong những điều quan trọng của nghệ thuật là người nghệ sĩ viết về thế giới riêng tư của mình nhưng lại mở ra một thế giới riêng tư của người đọc. Nghệ sĩ Trần Gia Cường đã làm được phần lớn điều ấy mà những cảm nhận của tôi chính là kết quả”.

3. Hiện nay, trên cương vị Chủ tịch Chi hội Âm nhạc Công an nhân dân, Thiếu tướng Trần Gia Cường đã chứng tỏ là vị “thuyền thưởng” đầy bản lĩnh, luôn có cách tập hợp và thu hút đội ngũ sáng tác trong lực lượng. “Ngay từ khi thành lập, Chi hội luôn đặt mục tiêu là tạo ra sân chơi âm nhạc thực sự thiết thực và hiệu quả. Tuy ra đời muộn so với các chi hội khác trong lực lượng nhưng Chi hội Âm nhạc đã có nhiều tác phẩm để phục vụ cho các đợt hội diễn hay các chương trình nghệ thuật của Bộ Công an. Đây là sân chơi giúp cho hội viên trong lực lượng có thể gặp gỡ, trao đổi kiến thức âm nhạc, đồng thời là cầu nối để tác phẩm của các hội viên được giới thiệu ra bên ngoài. Chúng tôi cũng rất chú trọng việc tổ chức các trại sáng tác, những chuyến đi thực tế để nhạc sĩ có tác phẩm bám sát cuộc sống của nhân dân, của xã hội và của ngành, khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân”, Thiếu tướng Trần Gia Cường nhấn mạnh.

Thiếu tướng Trần Gia Cường chia sẻ, một tác phẩm âm nhạc hay phải có giai điệu hay, lời ca giản dị, gần gũi như lời tâm sự với đồng chí, đồng đội. Có lẽ vì thế mà những ca khúc của ông luôn được cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an yêu thích, đó như “điểm tựa” để họ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường sinh năm 1955 tại Lạng Sơn. Một số tác phẩm âm nhạc của ông đã đoạt giải thưởng, như “Thu Hà Nội” - Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, năm 2005; “Nghe tiếng loa quê hương trong chiều biên giới” - Giải Đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2010; “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” - Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của lực lượng Công an nhân dân; “Nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông” - Huy chương Vàng Hội diễn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giải Nhất cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân, giai đoạn 2011 - 2015...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường: Một tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.