Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tính đồng bộ

Hồ Bách| 07/04/2012 07:23

(HNM) - Thông tư 70/2011/TT-BCA của Bộ Công an (CA) quy định cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Điều này đã thể hiện rõ vai trò của luật sư trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng.


Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này đi vào cuộc sống còn nhiều vướng mắc vì vấp phải nhiều mâu thuẫn trong các luật khác nhau và sự bất hợp tác của cơ quan chức năng không ít địa phương ngay từ thủ tục đầu tiên.

Theo quy định hiện hành, giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng. Nhưng trên thực tế, mỗi khi kết thúc một giai đoạn tố tụng, hồ sơ vụ án chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng khác là luật sư lại phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa mới. Đã có nhiều hồ sơ vụ án hình sự khi đến giai đoạn xét xử thì có đến 3 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận và 3 giấy chứng nhận bào chữa do 3 cơ quan tiến hành tố tụng cấp cho cùng một luật sư để bảo vệ cho một bị cáo.

Ngoài vướng mắc trên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, không có quy định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư tham gia tố tụng dân sự, hành chính. Theo quy định của Luật Luật sư, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bào chữa bao gồm: đơn mời luật sư, thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề. Nhưng không ít đơn vị tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư phải cung cấp thêm Chứng chỉ hành nghề luật sư; giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề; quyết định phân công luật sư. Cá biệt có cơ quan còn yêu cầu cung cấp hợp đồng dịch vụ pháp lý và phiếu thu tiền dịch vụ pháp lý của khách hàng... Chạy theo giấy tờ nên rất ít trường hợp luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn. Một số người hoàn tất đúng ngày yêu cầu cũng phải đối mặt với nạn chậm trả kết quả. Lý do được đưa ra thường là bưu điện chuyển đến chậm (nếu gửi qua bưu điện) hoặc người có thẩm quyền cấp giấy đi công tác vắng... Trong khi việc này có ý nghĩa rất quan trọng với bị can, bị cáo khi họ cần có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Thực trạng trên khiến hoạt động nghề nghiệp của luật sư đang bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài xử lý đối với cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi không cấp, chậm cấp hoặc gây khó khăn cho luật sư khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tính đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.