Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tiếng nói chung

Xuân Lộc| 25/09/2011 06:15

(HNM) - Trong mỗi chuyến hành trình, bảo tàng luôn là điểm dừng chân của du khách bởi qua đó, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán vùng đất nơi mình đi qua. Thế nhưng, thời gian qua, việc khai thác nguồn "tài nguyên" du lịch này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mới đây, tại cuộc họp do Bộ VH,TT&DL chủ trì, vấn đề "Làm thế nào để tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch?" một lần nữa lại được đưa ra "mổ xẻ".


Tour đến bảo tàng: Của hiếm

Thường xuyên thiết kế tour cho các đoàn khách châu Âu đến Việt Nam nhưng mỗi lần nhận được lời đề nghị muốn khám phá hệ thống bảo tàng của du khách, người làm du lịch lại cảm thấy băn khoăn. Theo vị giám đốc của một hãng lữ hành lớn tại Hà Nội, hệ thống các bảo tàng - nơi trưng bày và lưu giữ những hiện vật quý của dân tộc, nơi "kể chuyện" lịch sử đất nước nhiều đến mức khó có thể kể hết, từ cấp địa phương cho đến tỉnh, thành, quốc gia. Thậm chí, bây giờ tư nhân cũng đầu tư xây dựng bảo tàng. Thế nhưng để tìm cho ra một bảo tàng "đạt chuẩn" phục vụ khách du lịch không phải chuyện dễ.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Khánh Nguyên


"Nhiều du khách nước ngoài khi đặt chân đến bảo tàng của nước ta đã không giấu nổi thất vọng và đánh giá rằng, bảo tàng quá đơn điệu. Sự hạn chế về quy mô, thiếu thốn trong đầu tư trưng bày cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng nghèo nàn, lạc hậu cộng với khả năng thuyết minh, trình độ ngoại ngữ của các thuyết minh viên... không đáp ứng được yêu cầu đã khiến cho bảo tàng thực sự "mất điểm" trước du khách quốc tế", vị giám đốc này phân tích.

Thêm nữa, như Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nhận định: Thiếu cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực nghỉ chân, nhà vệ sinh, các dịch vụ khác... cũng là một trong những nguyên nhân khiến bảo tàng chưa có sức hấp dẫn. Vì vậy, thời gian qua, chỉ có một vài bảo tàng ở tốp đầu như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng)... là thu hút được vài trăm lượt khách/ngày. Số còn lại chỉ đón khoảng vài chục lượt khách/ngày. Nhiều bảo tàng dù chịu khó "mở cửa" nhưng khách vẫn không vào.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết kế các tour đến bảo tàng vừa góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Việt vừa quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử nước ta đến bạn bè thế giới, từ năm 2008, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa triển khai đề án "Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch". Đề án đã được Bộ VH,TT&DL phê duyệt, các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện. Thế nhưng cho đến nay, các tour du lịch đưa khách đến bảo tàng vẫn là "của hiếm".

Kết hợp du lịch và bảo tàng: Sao khó thế?

Tại báo cáo gửi Bộ VH,TT&DL ngày 22-9, Tổng cục Du lịch nêu rõ, những nguyên nhân hạn chế thu hút khách du lịch đến các bảo tàng về cơ bản vẫn chưa được khắc phục. Trong khi các bảo tàng chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu và thị hiếu của du khách, chưa có chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch, thì các doanh nghiệp lữ hành cũng chưa mặn mà giới thiệu, tư vấn cho du khách về giá trị của các bảo tàng ở Việt Nam, đặc biệt chưa chú ý và dành thời gian hợp lý cho điểm đến bảo tàng trong chương trình tour. Vì vậy, câu chuyện xây dựng tour đến các bảo tàng vẫn chỉ là của riêng ngành văn hóa hoặc của riêng các đơn vị lữ hành theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng".

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Khánh Nguyên


Tại nhiều quốc gia, bảo tàng luôn là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch. Bảo tàng Louvre của Pháp, mỗi ngày thu hút hàng vạn lượt khách, mang lại nguồn thu lớn, góp phần bảo tồn, tôn tạo, mở rộng quy mô và hiện vật trong bảo tàng, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch Pháp phát triển. Dẫn ra như vậy để thấy rằng, có trong tay cả một kho tàng tài nguyên lịch sử nhân văn phong phú nhưng du lịch Việt Nam vẫn phải loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán "thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc". Vì sao như vậy?


Nhiều ý kiến cho rằng, hiện chưa có một "lối ra" nào cho các tour du lịch văn hóa kiểu này khi các bảo tàng vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, chưa mặn mà làm du lịch, còn doanh nghiệp lữ hành lại đặt lợi nhuận và tính an toàn lên hàng đầu. Thiếu "cái bắt tay" chặt chẽ giữa họ bản sắc văn hóa Việt chưa đến được với đông đảo du khách nước ngoài.

Theo Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa nên nghiên cứu mô hình xã hội hóa hoạt động của bảo tàng theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng và quản lý, đồng thời chỉ đạo các bảo tàng đầu tư nâng cấp để có thể mang lại hiệu quả kinh tế từ việc phục vụ khách du lịch. Vào tháng 11 tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức cuộc hội thảo bàn sâu hơn về những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, vốn đầu tư, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các bên khi tham gia xây dựng sản phẩm tour du lịch văn hóa này. Hy vọng, "người trong một nhà" (cùng trực thuộc Bộ VH,TT&DL) sẽ sớm tìm tiếng nói chung để cùng phát triển.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.