(HNM) - Thông tin Giáo sư Ngô Bảo Châu dành căn biệt thự được tặng trị giá hàng chục tỷ đồng tại Tuần Châu (Quảng Ninh) để gây dựng "Vườn ươm tài năng" là tín hiệu vui trong những ngày đầu năm mới 2015.
Theo đó, "Vườn ươm tài năng" sẽ hoạt động trên ba lĩnh vực: Tư vấn giáo dục, lưu trú ngắn hạn, tổ chức các sự kiện văn hóa, khoa học giáo dục trên cơ sở không vì lợi nhuận. Càng ý nghĩa hơn khi mong muốn của Giáo sư Ngô Bảo Châu là sẽ xây dựng nơi đây trở thành khởi nguồn, điểm bắt đầu mục tiêu vun đắp cho các thế hệ trẻ tài năng, đặc biệt là những học sinh giỏi từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện thuận lợi phát triển tài năng.
Không khó để nhận thấy, những cuộc thi như Olympic cơ học; sáng tạo khoa học - kỹ thuật thiếu niên, nhi đồng; sáng tạo rô bốt... hầu như chìm lắng, "lép vế" so với các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ. Năm nào học sinh Việt Nam cũng luôn đạt giải cao trong các kỳ thi kiến thức ở cấp độ châu lục, thế giới, nhưng rất đông trong số này khi lựa chọn ngành học ở bậc đại học, nghiên cứu sinh lại từ chối các ngành khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng. Khi ra trường, nhiều em dù mong muốn được cống hiến nhưng tiếp tục rời xa các cơ quan nghiên cứu khoa học với lý do chủ yếu là "lương thấp và thiếu môi trường cống hiến".
Điều đó cho thấy việc khơi dậy tình yêu khoa học, từ đó tạo ra "sân chơi" cho các tài năng trẻ hiện nay cần thiết biết nhường nào. Nói rộng ra, nếu không làm được việc này, nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực khoa học nói riêng và mọi mặt của nền kinh tế - xã hội sẽ ngày càng xa hơn. Như nhiều người vẫn gọi thì đây là hiện trạng "thiếu rừng thì hổ sẽ đi", tức là thiếu một môi trường khoa học lành mạnh để tài năng trẻ phát huy khả năng là một thực tế không thể phủ nhận.
Trong khuôn khổ Festival "Sáng tạo trẻ toàn quốc" tổ chức gần đây, 600 nhà khoa học trẻ, trong đó đa phần có học vị thạc sĩ trở lên đều thống nhất ý kiến rằng, Việt Nam không thiếu những tài năng trẻ nhưng việc tạo môi trường để họ được cống hiến, phát triển đang gặp nhiều trở ngại. Họ kiến nghị cần loại bỏ cơ chế cào bằng trong trọng dụng tài năng, loại bỏ chủ nghĩa kinh viện, tuổi tác quan trọng hơn logic khoa học. Dù chưa thể nâng cấp đồng loạt chế độ đãi ngộ cho các đối tượng nhưng Nhà nước cần phải xem xét đến việc khuyến khích, đãi ngộ bộ phận nào trước, bộ phận nào sau. Đặc biệt, cần xem xét, thay đổi lại quy trình bổ nhiệm, sử dụng công chức, viên chức như hiện nay... Điều đó cho thấy, ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng đã khó nhưng việc sử dụng, phát huy tối đa trí tuệ của các tài năng là việc khó gấp nhiều lần. Nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu: "Để có một xã hội văn minh, tiến bộ chúng ta rất cần những tài năng, rất cần sự gắn bó giữa người trưởng thành với các bạn trẻ, giữa các bạn trẻ với nhau".
Trở lại câu chuyện Giáo sư Ngô Bảo Châu bắt tay xây dựng "Vườn ươm tài năng" để thấy, đây không đơn thuần là câu chuyện của riêng ngành khoa học mà là câu chuyện đãi ngộ, trọng dụng nhân tài ở nước ta. Ai cũng biết rằng, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác hiện đang đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám, nhất là nhân lực cao cấp, trong đó có các nhà khoa học trẻ "chảy" ra nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều nước đã biết khắc phục vấn đề này, đặc biệt là thông qua các mạng lưới tập hợp tinh hoa của những người con xa xứ với những người trong nước, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... là những điển hình mà Việt Nam chúng ta rất cần học tập. Tư duy khoa học tốt, có lòng yêu nghề, mong muốn cống hiến là có nhưng ngay từ khi còn trẻ, nếu họ không được "tắm mình" trong một môi trường khoa học tốt, những tài năng trẻ ngay từ khi nhỏ tuổi sẽ có xu hướng "vọng ngoại" là khó tránh khỏi. Cần có thêm nhiều mô hình "Vườn ươm tài năng" là điều giới trẻ nước ta đang mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.