Hiện đang có khoảng 4.700 trường hợp vi phạm tại 20 tuyến đê * Quận Hai Bà Trưng đã cơ bản giải quyết xong các vụ việc vi phạm (HNM) - Tháng 8, tâm điểm mùa mưa bão, nhưng tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB) trên các tuyến đê xung yếu của Hà Nội vẫn rất phức tạp. Một số địa phương do thiếu quyết liệt xử lý các vi phạm cũ đã để phát sinh thêm nhiều vi phạm mới.
Tăng quy mô và mức độ vi phạm
Các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, mở hàng quán trái phép vi phạm hành lang đê
xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt
Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, năm nay, thành phố đặc biệt quan tâm khắc phục sự cố trên các tuyến đê xung yếu. Tính đến nay, toàn bộ công việc tu bổ đê điều, xây kè chống sạt lở trên các tuyến đê đã hoàn thành. Tuy nhiên, sự tích cực này của thành phố chưa đủ để bảo vệ an toàn cho các tuyến đê khi hàng "núi" vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB chưa được xử lý và còn phát sinh thêm nhiều vi phạm mới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chuyên môn, trên 20 tuyến đê từ cấp đặc biệt đến cấp 4 với chiều dài gần 470km của Hà Nội có khoảng 4.700 trường hợp vi phạm, trong đó có 440 vụ phát sinh trong năm 2009; 6 tháng đầu năm 2010 phát sinh thêm 177 vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm rất chậm, đến tháng 6-2010, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương mới xử lý được 62 vụ phát sinh trong các năm 2009 và 2010.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, vi phạm trên các tuyến đê rất đa dạng. Điển hình như xây dựng nhà xưởng, kho bãi ngoài bãi sông; đổ phế thải, vật liệu xây dựng, xây dựng lều lán tạm trên mặt đê, thân đê; xây lò gạch trong phạm vi hành lang bảo vệ đê; hút cát lấn dần vào thân đê; xe quá tải trọng quần thảo nát mặt đê... Địa bàn xảy ra vi phạm nhiều là các huyện Ứng Hòa, Đan Phượng, Phú Xuyên, Hoài Đức, Ba Vì... Đặc biệt, tại tuyến đê tả Đáy qua huyện Ứng Hòa (nơi tập trung gần 40% tổng số vụ vi phạm toàn thành phố) vẫn còn phát sinh những vụ vi phạm mới.
Ông Phạm Văn Hiền, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, Trưởng đoàn công tác kiểm tra tình hình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB tại Hà Nội cũng nhận định, tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB đang diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm tăng cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ở huyện Phú Xuyên, chính quyền địa phương đã cho xây dựng trái phép 35 lò gạch kép ngoài bãi sông, ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ, việc khai thác đất ngoài bãi sông chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Trên tuyến đê hữu Hồng qua huyện Phú Xuyên còn có 7 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ đê, có điểm tập kết cao hơn cả mặt đê. Tại quận Hai Bà Trưng và huyện Từ Liêm, đoàn công tác của Bộ phát hiện nhiều vi phạm như đổ phế thải ra bờ sông, xây dựng nhà trái phép, tập kết vật liệu xây dựng gây cản trở khả năng thoát lũ... Theo ông Hiền, sở dĩ Hà Nội còn tồn tại nhiều vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB do chính quyền sở tại thiếu kiên quyết xử lý vi phạm, trong khi đó, cơ quan chức năng lại chưa báo cáo kịp thời lên các cấp chính quyền để chỉ đạo đôn đốc xử lý dứt điểm các vi phạm.
Xử lý vi phạm: "Đánh trống bỏ dùi"
Để từng bước xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB, Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ; mở các đợt ra quân cưỡng chế giải tỏa vi phạm; chấn chỉnh các chủ khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng; tăng cường quản lý đất đai; xử lý các trường hợp hút cát trái phép và xử lý phương tiện vận chuyển quá tải làm hỏng mặt đê; xây dựng đường hành lang đê kết hợp đường giao thông để chống lấn chiếm hành lang đê... Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này vẫn ở tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Các địa phương xử lý vi phạm còn thiếu quyết liệt. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, công tác đôn đốc các địa phương trong việc xử lý các vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, lực lượng thanh tra đê điều Hà Nội còn mỏng và thiếu phương tiện, quyền hạn xử lý vi phạm còn hạn chế nên hiệu quả xử lý thấp.
Thực tế, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tồn tại và phát sinh các vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB tại Hà Nội là do chính quyền một số địa phương buông lỏng công tác quản lý, chưa ngăn chặn, xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm. Có những địa phương giao, cho thuê đất, thực hiện dự án dẫn đến việc đơn vị, cá nhân vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Cũng có nơi cán bộ địa phương né tránh trách nhiệm, nể nang họ hàng, làng xóm hoặc lơ là đôn đốc xử lý vi phạm nên vi phạm tồn đọng ngày càng nhiều, khó giải quyết về sau. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư, cá nhân, tổ chức còn hạn chế, dù biết là sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Các địa phương có dân cư sinh sống dọc các tuyến đê cũng gặp những khó khăn nhất định do tồn tại lịch sử để lại. Ông Trần Xuân Việt cho biết, trước khi có Pháp lệnh PCLB, rất nhiều gia đình có đất sổ đỏ nằm trong hành lang bảo vệ đê. Đến khi Pháp lệnh ra đời, các hộ này bị liệt kê vào đối tượng vi phạm hành lang đê, để giải quyết tồn tại, về lâu dài cần bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ gia đình này. Tuy nhiên, nếu chính quyền các địa phương không quyết liệt thì các biện pháp đưa ra vẫn chỉ là khẩu hiệu và sự an toàn của các tuyến đê vẫn ở trong tình trạng báo động.
Thực hiện Kết luận số 4100/KL-BNN-TTr của Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm vi phạm, đặc biệt là các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Từ Liêm, báo cáo kết quả về thành phố trước ngày 25-8. Tuy nhiên, theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, đến nay, mới có quận Hai Bà Trưng đã xử lý cơ bản các vi phạm, còn huyện Từ Liêm mới ban hành 7 quyết định xử phạt hành chính (mỗi quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng) và huyện Phú Xuyên đang rà soát, chuẩn bị xây dựng kế hoạch giải tỏa lò gạch vi phạm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.