(HNM) - Hiện nay, người chăn nuôi liên tục đối mặt với giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) leo thang. Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để kiềm chế sự tăng giá của TĂCN nhưng trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết, ngành sản xuất TĂCN trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài về thị phần. Hiện cả nước có 225 nhà máy chế biến TĂCN gia súc gia cầm và 89 nhà máy chế biến TĂCN thủy sản. Trong đó có khoảng 180 nhà máy sản xuất TĂCN là vốn trong nước còn lại là các DN có vốn nước ngoài. Nhưng các DN nước ngoài lại đang nắm giữ 70-80% thị phần TĂCN trên thị trường với nhiều công ty lớn như CP Thái Lan, Cargill của Mỹ, cám Con Cò (Pháp)… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhưng chủ yếu là do thiếu nguyên liệu đầu vào. Nguồn nguyên liệu để sản xuất TĂCN trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất, chủ yếu là đậu tương, khô dầu đậu tương, số còn lại phải nhập khẩu, lúa mì nhập tới 90-95%, các chất khoáng, vitamin… nhập khẩu đến 100%. Ngay cả ngô là loại nông sản dễ trồng thì Việt Nam cũng phải nhập đến 50% bởi diện tích trồng ngô của chúng ta lớn nhưng năng suất thấp. Hằng năm, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến TĂCN rất lớn, 11 tháng năm 2011 số tiền này đã là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2010. Do nhập khẩu nguyên liệu dẫn tới việc giá TĂCN cao hơn 15-20% so với các nước trong khu vực. Mặt khác, công nghệ sản xuất TĂCN ở trong nước còn quá lạc hậu so với nhu cầu thực tế, các DN phải nhập công nghệ từ nước ngoài, nên không thể cạnh tranh được với các công ty 100% vốn nước ngoài về chất lượng…
Thành lập xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi để hạ giá thành đầu vào. Ảnh: Khánh Nguyên
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, Hà Nội có 51 DN sản xuất TĂCN, trong đó có 31 DN sản xuất thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc; 20 DN sản xuất thức ăn bổ sung. Có 3 DN 100% vốn nước ngoài là Công ty CP Thái Lan, EH (Trung Quốc), Shan Zhin (Hàn Quốc). Mặc dù, số lượng DN nước ngoài đóng trên địa bàn TP rất ít chỉ chiếm 0,6% nhưng hầu hết sản phẩm TĂCN cung cấp cho các trang trại chăn nuôi do 3 DN này cung cấp. Theo ông Nguyễn Văn Minh, chất lượng thức ăn của các DN sản xuất trong nước kém chất lượng, giá cả lại không ổn định vì thế khoảng 70-80% nhu cầu TĂCN trên địa bàn Hà Nội đều do DN nước ngoài cung cấp.
Ông Trần Trọng Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai) cho biết, trang trại có 3.000 con lợn, trong đó có hơn 300 nái. Hiện công ty chỉ sử dụng sản phẩm TĂCN của Công ty Cargill (Mỹ) và Shan Zhin (Hàn Quốc) bởi nguồn thức ăn của các công ty nước ngoài này bảo đảm chất lượng, nhất là cho lợn giống và lợn nái. Thực tế có đợt trang trại cũng mua thức ăn của DN trong nước nhưng lợn ăn chậm lớn mà giá lại cao.
Thay đổi cách tiếp cận thị trường
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành sản xuất TĂCN trong nước đứng vững và có khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài về giá cả cũng như chất lượng, nhà nước cần quy hoạch nguồn nguyên liệu để giảm giá trị nhập khẩu. Đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất hóa dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, công nghệ sinh học tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước; khuyến khích các DN sản xuất TĂCN trực tiếp ký hợp đồng với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, đậu tương, đậu nành, sắn... để có nguồn nguyên liệu ổn định trong nước. Tái cấu trúc lại ngành này theo quy mô công nghiệp là sản xuất thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi và giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có như vậy mới giảm được chi phí đầu vào và giảm giá bán. Từ đầu năm đến nay, giá TĂCN tăng khoảng 7 lần mỗi đợt đều tăng từ 5-10%, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nên nhà nước cần có biện pháp khống chế giá và đưa ra mức giá trần hợp lý để bảo đảm DN vừa có lãi và giảm gánh nặng cho nông dân. Các DN trong nước nên liên kết lại với nhau để đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài từ giá bán, chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, bằng cách bán trực tiếp bán thức ăn cho các trang trại chăn nuôi thay vì thông qua các đại lý, khâu trung gian làm cho giá bán cao hơn 10-20% so với DN nước ngoài.
Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Kim Giao cho rằng, các DN sản xuất trong nước cần phải đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, thay đổi cách tiếp cận thị trường, các DN không chỉ bán thức ăn cho các trang trại mà cần phải chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra cho họ, tạo uy tín trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm. Các trang trại chăn nuôi nên thành lập xưởng sản xuất TĂCN, tận dụng những phụ phẩm của ngành nông nghiệp để hạ giá thành đầu vào. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN lớn trong nước đầu tư trong lĩnh vực TĂCN, nhằm xóa bỏ thế độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh về giá với DN nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.