(HNM) - Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm các bà mẹ Việt Nam đã lãng phí 270 triệu USD do nuôi con bằng sữa bột, trong khi có thể nuôi bằng sữa mẹ (NCBSM). Hiện mới chỉ có 10% trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, 90% còn lại đã và đang bị thiệt thòi vì sự lãng phí nguồn
Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp bé có sức đề kháng tốt hơn, chỉ số thông minh cao hơn và phòng được nhiều bệnh cho người mẹ. Ảnh: Hồ Quang |
Từ sự thiếu hiểu biết...
Thay vì cho con bú sữa mẹ (nhất là sữa non bú sớm trong vòng 1 giờ đầu) không ít bà mẹ trẻ lại cho con mình uống sữa bột được chế suất từ sữa bò, ngựa, dê... bán sẵn trên thị trường. Theo Bộ Y tế, chỉ có 55% trong tổng số 1,5 triệu trẻ sơ sinh/năm được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu. Hàng trăm lý do khiến nhiều bà mẹ từ chối cho con bú sữa, thứ mà các chuyên gia thế giới đánh giá là loại "vắcxin" không gì sánh bằng.
Trong hành lý mà chị Hòa (26 tuổi, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) mang theo khi đến bệnh viện sinh con có sữa non hộp, bình núm vú bởi theo chị, sinh mổ thì ít sữa, sữa lại không tốt nên chọn loại sữa ngoài "xịn" là có thể yên tâm. Không những thế, không cho con bú là còn để giữ cho ngực và vóc dáng đẹp. Chị Hòa là một trong số 30% số bà mẹ đến cơ sở y tế sinh nở mang theo sữa bột và 27% số bà mẹ mới sinh vắt bỏ sữa non. Theo thống kê, chỉ có 30% trẻ nhỏ ở thành thị được bú sữa mẹ trong 1 giờ đầu, ở nông thôn và miền núi tỷ lệ này cao hơn (cao nhất là 70%).
Theo các chuyên gia thế giới, NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu là trẻ không ăn, uống thêm bất kỳ một loại thức ăn nào, kể cả nước. Tuy nhiên, chỉ có 50% số bà mẹ biết về điều này, nửa còn lại cho rằng chỉ NCBSM trong 4 tháng, sau đó phải cho ăn dặm. Cán bộ, nhân viên y tế đều hiểu rõ NCBSM như thế nào là đúng song việc hướng dẫn, hỗ trợ các bà mẹ còn rất hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn có cán bộ y tế, bệnh viện, cơ sở y tế quảng cáo sản phẩm cho các hãng sữa, tiếp tay cho việc bán sữa.
Cũng vì chưa ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc NCBSM nên nhiều chị em vì phải bươn trải kiếm sống đã không cố gắng sắp xếp thời gian cho con bú. Nhìn cậu bé đã 2 tuổi nhưng mới nặng có 9kg, con chị Xuân ở Thường Tín, ai nấy đều thấy ái ngại. Mải kinh doanh, sinh con được hơn tháng chị đã phải đi chợ. Việc chăm con nhờ cả vào bà nội nên 2 tháng cậu bé đã phải ăn bột. Không chỉ gầy gò, do sức đề kháng yếu, cậu bé thường xuyên bị ho, sốt, tiêu chảy...
... Đến rào cản chính sách
Một rào cản được xem không kém phần quan trọng khiến cho việc NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu khó thực hiện được là chính sách cho phụ nữ nghỉ thai sản. Theo quy định, chị em chỉ được nghỉ 4 tháng, cả trước và sau khi sinh nên dù có đi làm đến tận ngày đẻ thì cũng không được ở nhà để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Thêm vào đó, việc quảng cáo (QC), kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng, sữa trên thị trường đang đánh trúng vào tâm lý các bà mẹ dù nó vi phạm các quy định hiện hành.
Theo Nghị định 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng và sữa thì việc QC sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Nghị định này cũng cấm các tài liệu thông tin, giáo dục và truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ có các nội dung khuyến khích việc cho trẻ bú bằng bình hoặc không khuyến khích việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ; so sánh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ... Tuy nhiên, ông Hà Hào Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, hiện nay có rất nhiều QC vi phạm quy định này như sổ khám bệnh cho trẻ cũng in QC sữa Gain Advance dành cho trẻ dưới 12 tháng; tờ rơi giới thiệu sản phẩm sữa HiPP cho trẻ từ 6 đến 2 tuổi; tờ rơi QC sữa MeiJi 1 cho trẻ dưới 6 tháng, sữa cho trẻ 6-12 tháng, sữa MeiJi Gold 2 có thành phần tương đương sữa mẹ; tờ rơi QC sữa Physiolac 1 cho trẻ từ 0 đến 5 tháng tuổi; sữa non MaMa có thành phần tương đương và tốt hơn sữa mẹ... Ngoài ra, 21% sản phẩm dinh dưỡng và 53,3% sản phẩm bình bú, núm vú được kiểm tra ghi nhãn chưa đầy đủ nội dung theo quy định.
NCBSM mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và trí tuệ. Theo Thạc sỹ Nguyễn Mai Hương, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ có sức đề kháng tốt hơn, ít khi mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu... Ngay cả sau khi chúng lớn lên ít khi mắc các chứng bệnh như tiểu đường, u xơ đường tiêu hóa, bệnh Crohn, bệnh viêm loét ruột kết. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn. Không chỉ có lợi cho trẻ mà NCBSM còn có nhiều tác dụng tốt đối với người mẹ như nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng thấp hơn so với những phụ nữ khác. Nhưng thực tế trên cho thấy nguồn "tài nguyên" sẵn có ấy đang bị lãng phí bởi những điều mà người lớn cho là "lợi” vì sự thiếu hiểu biết và cả vì lợi ích kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.