(HNM) - Theo Luật Đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chi nhánh, trung tâm XKLĐ chỉ được xem là "người giúp việc" cho các công ty, không được phép thu tiền, ký hợp đồng - kể cả ký hợp đồng với người lao động (NLĐ). Thực tế, nhiều chi nhánh, dù không đúng chức năng vẫn tổ chức ký hợp đồng và thu tiền trực tiếp cúa NLĐ. Chỉ đến khi hợp đồng được ký đã quá lâu mà NLĐ không xuất cảnh được, mọi chuyện mới vỡ lở.
Phiếu thu tiền của chi nhánh Công ty CP Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng. |
Đã có rất nhiều bài học về việc NLĐ phải vay mượn tiền bằng mọi cách như đặt sổ đỏ, vay nóng, vay ngân hàng theo diện người nghèo.... để được đi XKLĐ. Nhưng do sự thiếu hiểu biết, nhiều người đã nộp tiền cho các chi nhánh của các công ty XKLĐ. Khi tiền nộp đã lâu mà không được xuất cảnh mới biết bị lừa và lúc đó họ chỉ còn cách duy nhất là viết đơn kêu cứu.
Điển hình là trường hợp của 8 NLĐ đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Thọ.... làm thủ tục đi XKLĐ tại CH Czech qua chi nhánh Công ty CP Du lịch, dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) có trụ sở tại Trung Kính, Hà Nội, do ông Nguyễn Văn Thuận là giám đốc chi nhánh, bà Nguyễn Thị Nhung là phó giám đốc. 8 LĐ đã nộp chi phí xuất cảnh mỗi người hơn 3.000 USD từ năm 2007 nhưng đến năm 2008 họ vẫn không được xuất ngoại do không được cấp visa. Chi nhánh công ty đề nghị 8 LĐ trên chuyển sang đi CH Slovakia với chi phí là 7.500 USD/người, đồng thời cam kết trong vòng 70 ngày NLĐ sẽ được xuất cảnh. Sau 70 ngày vẫn không có ai được xuất cảnh. Đến ngày 9-3-2009, 8 LĐ lại nhận được thư ngỏ do bà Nguyễn Thị Nhung ký với nội dung: Vì rất nhiều lý do bất khả kháng, chi nhánh không thể đưa LĐ sang CH Czech lẫn Slovakia làm việc và đề nghị những LĐ này chuyển sang làm việc tại Liên bang Nga. Với người không muốn chuyển, công ty sẽ có trách nhiệm trả lại tiền trong thời gian từ ngày 25-3-2009 đến 30-7-2009. Công ty cam kết là vậy nhưng sau đó mọi lời hứa hẹn đều không được thực hiện khiến nguời lao động phải từ bỏ giấc mơ xuất ngoại và bắt đầu hành trình đòi nợ.
Tám người đã viết đơn gửi tới Bộ Công an, sau đó gửi về công an quận Cầu Giấy đề nghị xử lý. Ngày 13-5-2010, công an quận Cầu Giấy đã có công văn trả lời "vụ việc này Không cấu thành tội phạm và đơn được chuyển về Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước để xử lý theo thẩm quyền". Từ tháng 2-2010 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên tiếp có 3 công văn gửi Công ty CP Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng yêu cầu báo cáo vụ việc và giải quyết dứt điểm với NLĐ. Ngày 15-6-2010, thời hạn báo cáo và giải quyết đã hết nhưng ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ doanh nghiệp.
Đây không phải là những nạn nhân đầu tiên chịu thiệt khi nộp tiền cho chi nhánh hay trung tâm XKLĐ. Hiện nay cả nước có gần 170 DN được cấp phép trong lĩnh vực XKLĐ. Đây là một ngành nghề có điều kiện, phải đáp ứng được các tiêu chí theo quy định thì DN mới được cấp phép đưa LĐ ra nước ngoài làm việc. Quy định nêu rõ, mỗi DN có giấy phép được phép mở tối đa không quá 3 chi nhánh tại 3 tỉnh, thành khác nhau, dưới các chi nhánh là các trung tâm đào tạo với quyền hạn là phối hợp cùng các địa phương tuyển LĐ theo yêu cầu của đối tác. Đặc biệt, các chi nhánh không được quyền thu tiền, ký hợp đồng, kể cả hợp đồng với NLĐ.
Như vậy, DN có giấy phép ủy quyền cho các chi nhánh thì giám đốc chi nhánh phải là phó tổng giám đốc của công ty chính. Sau khi ủy quyền, công ty phải có công văn báo cáo lên Cục Quản lý LĐ ngoài nước và được cục chấp nhận. Tương tự, khi thành lập chi nhánh tại các địa phương, DN phải có công văn báo cáo về cục để theo dõi - ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.