Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu giải pháp đồng bộ để khai thác lợi thế

Lâm Vũ| 30/04/2014 06:46

(HNM) - Việt Nam có nhiều khu di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có giá trị như Điện Biên Phủ, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh, Ngã ba Đồng Lộc… Du lịch trở lại chiến trường xưa, thăm những địa danh lịch sử cách mạng là hình thức tôn vinh những người con anh hùng,


Cơ hội của ngành du lịch

Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Du lịch nội địa của Công ty Vietrantour cho biết, khách du lịch đi thăm chiến trường xưa thường là các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của các quân nhân... nhưng cũng có lớp trẻ, những người muốn tri ân công lao của cha anh; những người yêu hòa bình, nhà nghiên cứu lịch sử muốn đến Việt Nam để thăm, trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh.

Du khách dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.


Hà Nội là nơi tập trung nhiều cựu chiến binh, chỉ tính riêng số lượng cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã lên đến gần 24.000 người. Bên cạnh đó, Thủ đô có gần 3 triệu đoàn viên, thanh niên, vì vậy, là nơi cung cấp cho ngành du lịch một lượng khách tương đối lớn - một cơ hội thực sự đối với nhà tổ chức tour tham quan các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, du khách thường chọn những tour gắn liền với dịp kỷ niệm các sự kiện trọng đại như kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), Đại thắng mùa xuân năm 1975, 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh, dịp lễ đầu năm, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12…

Dịp 30-4 năm nay, các công ty lữ hành xây dựng khá nhiều tour thăm lại chiến trường xưa. Vietrantour triển khai tour Hà Nội - Điện Biên - Mường Phăng (4 ngày 3 đêm), Hà Nội - Quảng Bình - Vũng Chùa - động Thiên Đường (4 ngày 3 đêm), Hà Nội - Phú Quốc kết hợp tham quan nhà tù Phú Quốc (4 ngày 3 đêm). Newstar Tour có 4 chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo hành trình Hà Nội - Vũng Chùa - Phong Nha - Nghĩa trang Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Đông Hà - Cửa Lò - Hà Nội (4 ngày 3 đêm); Hà Nội - Ngã ba Đồng Lộc - Vũng Chùa Đảo Yến - Phong Nha - Nghĩa trang Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Hà Nội (3 ngày 3 đêm); Hà Nội - Sơn La - Mường Phăng - Điện Biên - Mộc Châu - Hà Nội (4 ngày 3 đêm); Hà Nội - Điện Biên - Mường Phăng - Sơn La - Hà Nội (3 ngày 2 đêm). Ngoài hành trình về Điện Biên Phủ, theo tuyến Quảng Bình đến "bảo tàng sinh động nhất về chiến tranh cách mạng" Quảng Trị, những tour tới các điểm đến đặc biệt như địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Nhà tù Lao Bảo hay Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Vũng Chùa - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ... đang có rất nhiều khách đăng ký.

Cần có giải pháp đồng bộ

Việt Nam có lợi thế phát triển loại hình tour tham quan thắng cảnh kết hợp thăm di tích chiến tranh hoặc tour chuyên biệt thăm chiến trường xưa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, loại hình du lịch này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân khách quan là tâm lý khách du lịch trong nước nói chung vẫn chuộng điểm đến nghỉ dưỡng, giải trí nhiều hơn. Nguyên nhân chủ quan là ngành du lịch chưa có sự đầu tư, tôn tạo di tích đúng với yêu cầu cần có, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm đến còn hạn chế; việc tuyên truyền, quảng bá chưa có chiều sâu, bài bản, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, nhân lực chưa chuyên nghiệp, hướng dẫn viên cũng chưa hiểu biết sâu sắc về điểm đến. Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, mối dây liên kết giữa các địa phương trong việc xây dựng tour chưa rõ ràng. Một ví dụ cụ thể, như tour tới Điện Biên Phủ bao gồm điểm đến là hầm tướng De Castries nhưng có lúc hầm được rào chắn kỹ càng, không có sự bổ trợ của mô hình đồ họa 3D hoặc mô hình sa bàn về diễn biến chiến sự liên quan, điều đó làm giảm tính hấp dẫn và giá trị của di tích.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty lữ hành chưa thực sự mặn mà với loại hình du lịch nói trên. Do sự bào mòn của thời gian cộng với việc bảo tồn hiện vật chưa được thực hiện thật tốt nên nhiều chứng tích lịch sử bị xuống cấp. Mặt khác, đối tượng khách hàng chọn các tour truyền thống có khả năng chi trả không cao, vì vậy, các đơn vị lữ hành bán loại tour này chủ yếu là làm thương hiệu, quảng bá điểm du lịch, lợi nhuận hầu như không có. Những yếu tố kể trên dẫn đến thực tế là việc tìm một tour thật sự ấn tượng với du khách là điều hết sức khó khăn.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, để phát triển loại hình du lịch mang tính đặc thù như thăm lại chiến trường xưa, giải pháp mang tính cơ bản cũng có sự khác biệt, phải được bắt đầu từ yêu cầu đổi mới cách thức tiếp cận với môn học lịch sử của giới trẻ, nhằm khơi dậy niềm hứng thú khám phá di tích cách mạng kháng chiến. Chỉ khi nào thế hệ sau hiểu lịch sử, yêu lịch sử, rõ ý thức về sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước thì sự quan tâm những điều liên quan đến lịch sử mới mang tính tự giác, tự nguyện, thậm chí như nhu cầu thiết yếu. Mặt khác, hiện nay, các địa phương thường tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa "về nguồn" trong những ngày lễ lớn, dịp Nhà nước tổ chức hoạt động kỷ niệm lớn; những sự kiện nói trên chỉ diễn ra trong thời gian 1 - 2 ngày nên cơ hội để du khách tiếp cận, tham gia sự kiện còn hạn chế. Để thu hút du khách một cách thường xuyên, các địa phương cần phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá điểm đến, thay đổi hình thức thể hiện và nội dung chương trình nhằm tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Giải pháp chung, vì vậy, phải mang tính đồng bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu giải pháp đồng bộ để khai thác lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.