Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu giải pháp đồng bộ

Linh Nhi| 14/11/2013 06:16

(HNM) - Mặc dù thu được kết quả bước đầu nhưng hiện nay công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật cho CNVCLĐ vẫn còn nhiều trở ngại…

Hướng mạnh về cơ sở

Trước thực trạng cả nước chỉ có 5,7% CNLĐ hiểu về Bộ luật Lao động và chỉ khoảng 6,5% số CNLĐ hiểu Luật BHYT, BH XH; trên cơ sở Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) ban hành tiểu đề án 3 về đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật cho CNVCLĐ. Tiểu đề án được triển khai thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố lớn có đông CNLĐ trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Công đoàn Công thương Việt Nam trao sổ tay phổ biến giáo dục pháp luật tới người lao động. Ảnh: Sơn Hà


Với chủ trương hướng mạnh về cơ sở, lấy người lao động làm đối tượng tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ pháp luật, Tổng LĐLĐ tập trung chỉ đạo khảo sát nhu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ tài liệu nguồn phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; tập huấn cán bộ CĐ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cơ sở. Đã có hơn 220 nghìn tài liệu với hàng nghìn phiếu câu hỏi CNLĐ được in, phát; gần 100 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn cho hơn 7 nghìn cán bộ CĐ chủ chốt được tổ chức và 40 tổ tư vấn pháp luật được thành lập mới. Tổ chức CĐ cũng ký kết tuyên truyền với hàng chục báo điện tử, báo giấy, đài truyền thanh…

Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ, CĐ các tỉnh, thành phố, CĐ cơ sở đã nỗ lực đưa pháp luật đến với CNVCLĐ. Tiêu biểu như tại tỉnh Đồng Nai có mô hình lựa chọn, mở 98 lớp đào tạo trang bị kiến thức pháp luật lao động, CĐ, bảo hiểm… cho hơn 600 công nhân nòng cốt là những người hoạt bát, nhiệt tình. CĐ hỗ trợ họ tổ chức các chương trình giao lưu, vui chơi giải trí, tư vấn, lồng ghép nội dung pháp luật đến từng tổ, nhóm, thậm chí từng CNLĐ. Tại Hà Nội có mô hình tư vấn pháp luật tại chỗ cho CNLĐ thông qua các cuộc đối thoại, hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức tại các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) với sự tham gia của cán bộ tư vấn pháp luật sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của CNLĐ. Đặc biệt, các cấp CĐ Thủ đô tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực hiện pháp luật của CNLĐ trong doanh nghiệp...

Cần khắc phục những bất cập

Tuy có nhiều giải pháp, nhưng nhìn chung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật cho CNVCLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, số CNLĐ được tuyên truyền pháp luật quá ít so với yêu cầu. Những người có trách nhiệm thực hiện tiểu đề án thừa nhận, cán bộ làm công tác này thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ, chuyên môn và cả kỹ năng tuyên truyền. Một trong những nguyên nhân chính là do người sử dụng lao động chưa thiện chí hợp tác với tổ chức CĐ, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ, nên hầu như không hỗ trợ gì cho CNLĐ.

Để khắc phục các bất cập, Tổng LĐLĐ vừa xây dựng chương trình hành động tiếp tục thực hiện tiểu đề án 3, trong đó xác định vẫn lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm, nhưng sẽ đổi mới ngay từ khâu biên soạn tài liệu theo hướng rút gọn tối đa, tập trung vào những quy định có lợi cho CNLĐ, để thu hút sự quan tâm của CNLĐ; tiếp tục tập huấn cán bộ làm công tác này; hướng dẫn thực hiện những mô hình tuyên truyền tại cơ sở, tận dụng tối đa các chương trình gắn với tư vấn, giáo dục pháp luật…

Rõ ràng, hàng loạt giải pháp của Tổng LĐLĐ đưa ra là hết sức cần thiết, song thiết nghĩ như thế chưa đủ, cần có sự quan tâm của chính quyền cơ sở, Ban quản lý các KCN&CX, cũng như sự vào cuộc của hệ thống chính trị… Cùng với đó phải có cơ chế cụ thể về thưởng, phạt đối với những nơi lơ là công tác này. Có như vậy, hiệu quả tuyên truyền mới được nâng cao.

Khảo sát cho thấy, trên 50% CNLĐ có nhu cầu nắm bắt kiến thức về pháp luật lao động, nhưng điều kiện đi lại khó khăn, các trung tâm tư vấn ở xa, DN không hỗ trợ tiền đi lại nên CNLĐ không có điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó, trên 64% CNLĐ không được hỗ trợ về nhà ở, trên 55% CNLĐ không được hỗ trợ về phụ cấp độc hại, trên 95% CNLĐ hoàn toàn không được hỗ trợ điều kiện để học tập nâng cao trình độ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.