(HNM) - Đã bước sang năm thứ ba TP Hồ Chí Minh thực hiện nếp sống văn minh đô thị (VMĐT). TP có sạch hơn, đẹp hơn, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Tại kỳ họp HĐND vừa qua, chính các đại biểu đánh giá các tiêu chí VMĐT vẫn chậm chuyển biến so với hai năm trước!
Hàng rong vẫn ngang nhiên tồn tại giữa trung tâm thành phố. |
Kết quả không bền vững
Với chủ đề "Mỹ quan đô thị", năm 2010, TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết triệt để 6 hành vi không văn minh, gồm bán hàng rong trước cổng trường học, phát tờ rơi và sử dụng âm thanh quảng cáo lớn trên đường, xả rác và nước thải ra đường, rải vàng mã khi đám tang đi qua trên đường, nói tục chửi thề, phóng uế bừa bãi, chạy xe trên vỉa hè và không dừng xe đúng vạch sơn quy định.
Để làm được điều này, TP đã có các tiêu chí cụ thể xây dựng 15 tuyến đường mẫu, 69 tuyến đường trọng điểm cấp huyện. Bên cạnh đó là trồng cây xanh, lắp đặt hơn 3.000 thùng rác và hàng trăm nhà vệ sinh công cộng… Hàng loạt phong trào từ đoàn viên, thanh niên, học sinh… cũng được phát động để tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân về VMĐT. Những hoạt động này đã tạo ra chuyển biến tích cực, TP có sạch đẹp hơn, xanh hơn, ít rác thải hơn… Tuy nhiên, so với tiêu chí đề ra thì kết quả đạt được vẫn còn quá nhỏ. Trong 15 tuyến đường mẫu, chỉ có một số ít đường ở trung tâm quận 1 như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi có vẻ khang trang sạch đẹp; những tuyến còn lại như Trần Hưng Đạo (quận 5) vẫn bị những tủ hàng ven đường lấn chiếm; đường Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu đầy rẫy những quán hàng rong và xe ô tô, xe gắn máy đậu ngổn ngang lấn chiếm lề đường. Rác sinh hoạt vẫn còn vứt tràn lan ngoài đường phố; và trước các bệnh viện như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Hùng Vương; trước cổng trường học… hàng rong vẫn bày bán lấn chiếm hết vỉa hè của người đi bộ!
Qua các đợt giám sát, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND cho rằng, sau gần 3 năm thực hiện VMĐT tuy có chuyển biến tốt nhưng chưa đạt được mục tiêu và mong muốn đặt ra. Điều đáng lo ngại là kết quả đạt được lại không bền vững. Bởi khi có phong trào hoặc khi có các đội trật tự ra quân thì mọi thứ đều vào "guồng", hàng rong dẹp, đường phố sạch xanh; tuy nhiên, khi phong trào lắng xuống thì mọi sự lại như cũ!
Thiếu biện pháp căn cơ và "cây gậy" chế tài!
Lý do của sự không bền vững, theo ông Khoa, là do chính quyền chưa tạo điều kiện đầy đủ, căn cơ để người dân thực hiện. TP cấm bán hàng rong trên đường, trước cổng trường, bệnh viện… nhưng lại chưa giải được bài toán việc làm cho người lao động. Người bán hàng rong chưa được hỗ trợ học nghề, thậm chí được quy hoạch một khu vực để tiếp tục buôn bán. Với bà con lao động nghèo, việc dùng các biện pháp hành chính chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa", không thể giải quyết dứt điểm khi chưa giải quyết được vấn đề mưu sinh cho họ. Luật quy định không được đi xe máy trên vỉa hè, nhưng "lô cốt" cứ mọc đầy khiến người lưu thông không còn cách nào khác là phải trèo lên vỉa hè. Ngay những việc nhỏ hơn, nằm trong tầm tay của TP cũng chưa được thực hiện tốt, đó là lắp đặt thùng rác và nhà vệ sinh công cộng. Cho đến nay, gần 3 năm thực hiện VMĐT nhưng các thùng rác ở công viên, đường phố vẫn chưa đủ.
Trong khi đó, các điều kiện đã được tạo ra đầy đủ để thực hiện VMĐT thì TP cũng không có chế tài mạnh mẽ, thiếu "cây gậy" để hướng dẫn mọi người đi vào guồng quay tối thiểu của việc thực hiện các quy định đề ra. Bên cạnh đó là tổ chức guồng máy hoạt động rộng khắp, đều đặn để kết quả đạt được bền vững chứ không dừng lại ở mức "phong trào" như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.