(HNM) - Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 28/2006/QĐ của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở xã, phường, thị trấn", theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về KNTC trong nhân dân.
Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc tiếp dân, giải quyết tranh chấp. Ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: Nơi nào làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật KNTC thì nơi đó KNTC, nhất là KNTC đông người, vượt cấp giảm hẳn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ cơ sở được thực hiện tốt hơn, mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội...
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai công tác này cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC. Chỉ có 25 tỉnh, thành là thành lập ban chỉ đạo đề án độc lập, còn lại là kiêm nhiệm. Trong khi đó, đa số cán bộ lãnh đạo địa phương đều "ôm" quá nhiều công việc, khó tập trung chuyên sâu cho lĩnh vực nào. Mặc dù theo chương trình, đề án phải được triển khai từ năm 2005, nhưng có tỉnh đến năm 2009, thậm chí 2010 vẫn chưa triển khai. Nhiều nơi thực hiện công tác tuyên truyền KNTC mang tính hình thức, lấy lệ... Do đó, tình hình KNTC của người dân nhìn trên bình diện chung vẫn phức tạp, điển hình là ở các lĩnh vực quy hoạch, bồi thường giải tỏa, tái định cư trong thu hồi đất các dự án. Đặc biệt, tại Hà Nội, việc đào tạo, bồi dưỡng báo cáo viên tại cơ sở chưa được chú trọng đúng mức, thiếu về số lượng; công tác phối hợp với Hội Nông dân trong việc triển khai đề án tại các huyện, xã còn hạn chế.
Qua việc thực hiện phổ biến pháp luật về KNTC, những cán bộ chuyên trách ở Thủ đô phản ánh: công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế một phần do kinh phí hỗ trợ triển khai đề án quá ít và thiếu. Ngay cả hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với việc lập dự toán, thanh toán kinh phí thực hiện đề án ở một số nội dung cũng còn chưa phù hợp, thiếu linh hoạt.
Mỗi năm, mỗi tháng có biết bao nhiêu văn bản pháp luật ra đời và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, chỉ mong Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai đồng bộ về kinh phí, tổ chức và phương án tuyên truyền để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, không để việc phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ rầm rộ theo cao trào, định kỳ rồi lại xẹp xuống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.