Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu điện - Căn bệnh trầm kha

Mai Thanh| 27/12/2010 06:59

(HNM) - Mặc dù các tổng sơ đồ (TSĐ) điện đã dự báo nhu cầu phụ tải trước nhiều năm để đón đầu phát triển nguồn, lưới điện và có mức dự phòng hợp lý cho hàng chục năm sau, nhưng từ năm 2004 đến nay, năm nào cân đối cung - cầu cũng bị phá vỡ do thiếu điện, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển KT-XH. Theo các chuyên gia kinh tế, với cơ chế hiện nay, thiếu điện sẽ còn là căn bệnh trầm kha.

Điệp khúc thiếu điện

Về phương án phụ tải tương ứng với phương án nguồn được phê duyệt, có ý kiến cho rằng dự báo tăng trưởng phụ tải quá cao dẫn tới khối lượng nguồn cần xây dựng hằng năm quá lớn, khó thành hiện thực. Song, cũng như nhiều nước khác, nếu nhìn nhận việc dự báo phụ tải để đưa ra danh mục thứ tự nguồn điện cần đầu tư xây dựng là cần thiết, bảo đảm tuân theo nguyên tắc chi phí tối thiểu (nguồn rẻ xây trước rồi mới đến các nguồn đắt tiền). Thực tế, tăng trưởng phụ tải những năm qua chỉ đạt 13-14%/năm, thấp hơn nhiều so với dự báo TSĐ, nhưng việc phát triển nguồn vẫn không đáp ứng được tăng trưởng phụ tải. Do vậy mức dự báo phụ tải của TSĐ6 cũng không ảnh hưởng tới phát triển nguồn điện thời gian qua. Điều đó cho thấy, khâu lập quy hoạch nguồn điện trong TSĐ không phải là nguyên nhân gây ra thiếu điện.

Các dự án đầu tư nguồn điện không hoàn thành đúng tiến độ là một nguyên nhân gây thiếu điện. Ảnh minh họa: Internet

Có thể dễ dàng nhận thấy nguyên nhân thiếu điện. Các dự án đầu tư nguồn điện không hoàn thành đúng tiến độ; hạn hán gây thiếu nước khiến các nhà máy thủy điện phải phát điện cầm chừng, các tổ máy nhiệt điện mới đưa vào vận hành chưa bảo đảm tin cậy... Mặt khác, trong thời kỳ hội nhập, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh; một số ngành sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ điện cao đột biến… Theo EVN, do các hồ thủy điện không tích được nhiều nước nên sản lượng thủy điện thiếu hụt, phải tăng cường mua điện giá cao, song vẫn không đủ để cung ứng, phải cắt giảm nhu cầu. Do hệ thống điện không có công suất dự phòng nên vào giờ cao điểm vẫn phải giảm tải. Với tình hình này, kế hoạch phát điện cho năm 2011 còn đáng lo ngại và nguy cơ thiếu điện đến năm 2012 là không tránh khỏi. Tất cả những nguyên nhân nói trên vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề, là hệ quả của việc thiếu nguồn lực đầu tư cho các công trình nguồn điện.

Khi đầu vào, đầu ra bất cập

Hiện tại, giá bán điện ở nước ta còn bất cập, khó có thể minh bạch để dư luận yên tâm. Giá bán lẻ bị chặn (kể cả bán buôn) và chậm được điều chỉnh so với giá đầu vào của hầu hết các loại nhiên liệu sản xuất điện tăng lên không ngừng. Theo EVN, với chức năng mua tổng, bán lẻ, do bị khống chế giá bán lẻ nên phải lựa chọn giá mua hợp lý, kéo theo các đơn vị sản xuất điện cũng bị ép giá bán buôn.

Giá bán lẻ điện hiện được tính theo các loại: giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm; tính theo bậc thang bán buôn, bán lẻ; tính theo lĩnh vực tiêu dùng như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... nhưng dù định giá điện dựa trên căn cứ nào đi nữa cũng phải bảo đảm cho hoạt động điện lực tồn tại và phát triển. Song, năm 2008, Kiểm toán Nhà nước xác định EVN lỗ 506 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương xác định lỗ 6.500 tỷ đồng. Đây chính là hệ quả của chính sách giá điện.

Hiện chỉ còn vài nước áp dụng giá bậc thang giảm mạnh để kích cầu tiêu dùng do nguồn điện dồi dào. Một số nước thiếu điện phải dùng giá bậc thang tăng cao để khuyến khích tiết kiệm. Tuy nhiên, đa số các nước đều ưu tiên dành nhiều năng lượng điện cho phát triển kinh tế, bởi vậy họ định giá điện sản xuất kinh doanh thấp hơn hai, ba lần so với giá điện sinh hoạt. Ở nước ta thì lại khác, giá điện sinh hoạt rất thấp, bậc thang cao nhất chỉ có 1.890 đồng/kWh, thấp nhất các nước trong khu vực.

Thiếu điện có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế giá. Vì vậy, xây dựng, điều chỉnh giá điện hợp lý mới giải quyết tận gốc tình trạng thiếu điện. Ngày 25-10 vừa qua, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí rằng tăng giá điện là xu hướng lâu dài phải làm, không nên để giá bao cấp điện làm méo mó nền kinh tế. Tâm lý chung của khách hàng cũng vậy, họ sẵn sàng chịu giá tương xứng với mong muốn được cung ứng điện ổn định, có chất lượng.

Với mức tăng trưởng nhu cầu phụ tải cao, Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn cho các nhà đầu tư nguồn điện mới. Việc thành lập Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) và vai trò của Cục trong quy định giá điện năm 2009 và 2010 đã tạo ra tín hiệu quan trọng cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện vì giá điện được điều chỉnh theo tín hiệu đầu vào của thị trường. Trong quy hoạch điện, để giúp Cục ĐTĐL trong xây dựng giá điện, cũng như cho các nhà đầu tư thấy cơ hội, cần thiết phải đưa ra phương pháp và kết quả tính toán chi phí biên dài hạn ở từng khâu, đặc biệt khâu phát điện phải phản ánh được các yếu tố điều chỉnh của thị trường (nhiên liệu, tỷ giá, thay đổi công nghệ...). Do vậy, cần sớm đề xuất chính sách liên quan tới định hướng về giá điện để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nguồn điện; đồng thời, nghiên cứu và đề xuất chính sách liên quan tới xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường có thể ảnh hưởng tới các hộ nghèo hoặc người dân khu vực miền núi, hải đảo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu điện - Căn bệnh trầm kha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.