Em Trần Minh Huy (học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Huy Chú)
- Em thấy chuyện viết chữ đẹp hay xấu bây giờ có gì quan trọng đâu. Học sinh THCS, THPT đều có máy tính rồi nên chúng em toàn đánh máy cho nhanh. Bài kiểm tra ngoại khóa, bản tự kiểm điểm, đề cương môn học… đánh máy để tiện "cóp" lại chứ chép tay thì lâu lắm. Quen đánh máy nhiều nên khi viết tay, chữ em rất xấu nhưng làm bài kiểm tra chỉ cần làm đúng là được, chữ xấu hay đẹp thì cũng thế mà thôi. Với những môn học thuộc, cô giáo vừa giảng vừa đọc, chúng em phải chép bài nhanh lắm mới kịp nên khó mà tập trung nắn nót từng nét chữ. Mấy quyển vở ghi bài trên lớp của em, chữ như "cua bò" lại còn tẩy xóa, gạch chéo, viết tắt... hệt như quyển nháp.
Em Phan Hoàng Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Ái Mộ)
- Đúng là học sinh chúng em không còn quan trọng chuyện luyện viết chữ đẹp nữa. Nhưng theo em, viết chữ đẹp vẫn là một yêu cầu quan trọng đối với học sinh. Viết chữ càng đẹp, tập vở ghi chép bài càng sạch sẽ, rõ ràng, dễ nhìn càng khiến chúng em tập trung học bài tốt hơn. Khi làm bài kiểm tra cũng vậy, chữ xấu, giải bài gạch xóa sẽ khiến thầy cô khó "dịch", đôi khi sẽ mất điểm oan. Nhận thấy tầm quan trọng của viết chữ đẹp, em đã đăng kí một khóa chuyên luyện chữ.
Cô Nguyễn Thị Duyên (giáo viên cấp I, Trường Tiểu học Ngọc Lâm)
- Ngay từ khi học cấp I, thầy cô đã tập rèn viết chữ đẹp cho học sinh. Nhà trường cũng tổ chức những cuộc thi vở sạch, chữ đẹp. Tuy nhiên, đến THCS, THPT, việc rèn chữ không còn được coi trọng bằng việc truyền giảng kiến thức. Do vậy, nhiều em khi còn học cấp I viết chữ rất đẹp nhưng lên các cấp trên chữ viết bắt đầu cẩu thả và xấu đi rất nhiều. Đây đang là một trong những "căn bệnh" mà cả nhà trường, thầy cô và học sinh cần lưu ý trong quá trình giáo dục, dạy dỗ và học tập.
Vì duy trì nét chữ đẹp không phải là một việc dễ, nó cần một quá trình xuyên suốt, đòi hỏi ở các em phải chăm chỉ, cẩn thận trong từng nét chữ viết hằng ngày. Viết chữ đẹp cũng rất quan trọng khi ghi chép bài và làm bài kiểm tra. Sẽ thật đáng tiếc nếu như một bài kiểm tra đúng với đáp án nhưng do chữ xấu, làm bài gạch xóa khiến thầy cô khó chấm và không cho được điểm tối đa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.