(HNM) - Chức năng giám sát, hoạt động phản biện của MTTQ hiện đã được quy định trong Hiến pháp, các quyết định 217, 218 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XI). Những năm qua, thông qua giám sát, phản biện (GSPB), MTTQ đã kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm;
Hoạt động giám sát, phản biện của mặt trận các cấp đã có những đóng góp quan trọng đối với nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhật Nam |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình: Để thực hiện tốt chức năng GSPB đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có trình độ, năng lực, sức khỏe mới có thể giải thích, hướng dẫn nhân dân... và việc này đang được MTTQ thành phố chú trọng. Nhưng điều mà mặt trận các cấp băn khoăn là đến thời điểm này, cơ chế GSPB vẫn còn khoảng trống; sự vào cuộc của cơ quan, ban, ngành chức năng chưa rõ nét; các chương trình, nội dung, phần việc để MTTQ GSPB còn chưa thực sự gắn với thực tiễn... |
Đến nay, MTTQ 30/30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã ký kết được quy chế phối hợp với HĐND - UBND cùng cấp thực hiện GSPB; trong đó, 25 quận, huyện tổ chức được hội nghị phản biện xã hội, hoạt động giám sát và 72/584 xã, phường, thị trấn cũng đã mạnh dạn tổ chức phản biện xã hội. Nhiều hội nghị được tổ chức đạt chất lượng, giúp cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng có thông tin chính xác, đa chiều, nâng cao khả năng phân tích, xử lý để đưa ra các quyết định đúng đắn, hạn chế sai sót, tối ưu hóa phương án trước khi thực hiện. Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh nhận định, hoạt động GSPB được phát huy tốt, có tác dụng khắc phục triệt để các biểu hiện dân chủ hình thức, thúc đẩy minh bạch hóa trong các thủ tục hành chính và các hoạt động KT - XH. Qua đó, MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia kiểm soát cán bộ, đảng viên, công chức và những người hoạt động công vụ, chủ động ngăn ngừa sai phạm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên, MTTQ hiện mới chỉ góp ý, kiến nghị về chủ trương, chính sách, pháp luật trong dự thảo, trong khi yêu cầu GSPB xã hội cao hơn nhiều.
Nói về những bất cập trong hoạt động GSPB, nhiều cán bộ MTTQ thừa nhận, trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Mặt khác, do chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan phối hợp với MTTQ thực hiện GSPB nên MTTQ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn tới làm hình thức, chiếu lệ. Có thể kể ra những bất cập như việc cơ quan chức năng chuyển các dự thảo văn bản cho MTTQ lấy ý kiến hoặc GSPB quá chậm, không đủ thời gian để tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cũng như nghiên cứu và đi thực tế. Bà Ngô Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng phản ánh, nhiều khi các ý kiến của MTTQ tập hợp gửi lên trên bị "gạt" ra khỏi văn bản, đề án mà không có hồi âm, không có lý do. Điều này không những gây bức xúc mà còn làm giảm nhiệt huyết của những người làm nhiệm vụ GSPB. Ông Trần Thanh Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Giã (Sóc Sơn) - đơn vị được đánh giá là điểm sáng của thành phố về GSPB cũng bày tỏ, theo quy định hiện nay, MTTQ chỉ có quyền giám sát công trình do cấp huyện, xã đầu tư, còn các dự án do cấp thành phố làm chủ đầu tư thì MTTQ không có quyền được tham gia. Điều này là bất hợp lý, thiếu minh bạch, dân chủ. Cũng theo ông Trần Thanh Vân, vì quyền lợi của nhân dân nên cán bộ MTTQ và nhân dân luôn cố gắng giám sát, nhưng kết quả thu được chưa như mong muốn do không nhận được sự hợp tác tích cực từ nhiều bên.
Để công tác GSPB đạt hiệu quả, bảo đảm yêu cầu về tính khoa học, khách quan, hợp lý, MTTQ phải huy động được đội ngũ chuyên gia có kiến thức sâu rộng về các lĩnh của đời sống xã hội, nhiệt huyết với sự nghiệp của Đảng, của dân, đồng thời cần điều chỉnh, xây dựng nội dung, hình thức GSPB sao cho thực chất hơn. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đào Văn Bình cho rằng, chỉ có thể phản biện xã hội tốt nếu công tác giám sát của MTTQ được thực hiện một cách thực chất và đồng bộ, các cấp ủy Đảng và chính quyền coi trọng một cách đúng mức vai trò GSPB của Mặt trận, đồng thời có cơ chế để người đứng đầu các cơ quan chức năng phải tiếp thu ý kiến phản biện của người dân và các đoàn thể. Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận không chịu áp lực từ bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và phải được triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Có như vậy, khi Luật MTTQ được thông qua, công tác GSPB mới thực sự phát huy hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.