Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cơ chế giám sát và chế tài xử lý vi phạm

Hà Phong| 14/12/2013 05:30

(HNM) - Thực tế triển khai Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của UBTV Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho thấy, đang thiếu cơ chế giám sát của nhân dân và cả chế tài xử lý những chủ thể vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện dân chủ tại cơ sở.


Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, cần thiết phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Vẫn hình thức, đối phó

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều nội dung của Pháp lệnh đã đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở. Có 1.957/2.695 người được hỏi (chiếm 72,6%) cho rằng, từ khi Pháp lệnh có hiệu lực, tác phong lãnh đạo, làm việc của cán bộ cơ sở đã tốt lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều bất cập đã bộc lộ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, với quy định hiện hành, có 11 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai cho người dân biết, đồng thời xác định rõ hình thức công khai, nhưng Pháp lệnh lại đang thiếu vắng những quy định bảo đảm tính minh bạch trong việc công khai. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thực hiện đối phó. Có nơi, dán thông báo nhiều trang trên bảng tin có lưới bảo vệ khiến người dân và các tổ chức quan tâm khó quan sát được.

Cũng vì thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện nên một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa quan tâm, không hiểu rõ về Pháp lệnh, dẫn tới chưa thực hiện tốt quyền làm chủ của mình. Kết quả khảo sát cũng phản ánh, trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Pháp lệnh, nhiều ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động còn hình thức, chưa đúng quy trình, quy định. 44,4% đối tượng được hỏi, gồm cán bộ, công chức cấp cơ sở và nhân dân, đều cho rằng hiệu quả hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân chỉ đạt ở mức trung bình; 12,5% nhận xét còn chưa tốt. Hiện, những công trình được đầu tư ở cơ sở (đường giao thông, hệ thống điện dân sinh…) do nhân dân tự huy động vốn thì có sự giám sát khá tốt của nhân dân và chất lượng công trình được bảo đảm. Còn lại, những công trình được đầu tư 100% vốn ngân sách nhà nước thường thiếu sự giám sát của nhân dân và những sai phạm trong quá trình thi công xảy ra nhiều hơn, tình trạng lãng phí tham nhũng khó kiểm soát, chất lượng công trình không bảo đảm. Vì lẽ này, một số ý kiến còn bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò của trưởng thôn/tổ trưởng dân phố hơn cả ban thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, trình độ đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng dân phố cũng có nhiều bất cập, nhiều người thậm chí chưa tốt nghiệp THPT… Từ nhận thức không đúng, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật và quyền hạn, trách nhiệm, không ít trưởng thôn đã lạm quyền, làm sai các quy định của pháp luật. Tại xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có trường hợp trưởng thôn đã tự cho mình quyền bán đất công, đấu thầu, cho thuê đất trái phép, lập barie ở đường đi chung để thu tiền phương tiện qua lại...

Cần nâng Pháp lệnh lên thành luật

Thực tế triển khai thực hiện Pháp lệnh đặt ra vấn đề: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) có vị trí thế nào trong mô hình, tổ chức bộ máy nhà nước? Theo cơ chế hiện hành, MTTQ có chức năng "giám sát" hoạt động và "phản biện" chính sách đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nhưng việc thiết kế mô hình như hiện tại lại khiến MTTQ bị lệ thuộc, thậm chí phụ thuộc vào chính đối tượng bị giám sát, phản biện về ngân sách, biên chế… Nếu cứ duy trì mô hình này, MTTQ không thể có vị thế độc lập tương đối và không thể có tiếng nói khách quan trong quá trình giám sát, phản biện.

Để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, không cách nào khác là MTTQ và các đoàn thể, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chú trọng kiểm tra giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn những biểu hiện vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung công khai, lấy ý kiến nhân dân theo quy định. Quan trọng hơn, cần nâng Pháp lệnh lên thành luật với những chế tài khả thi về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo cơ sở tốt hơn cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vai trò và tính độc lập của MTTQ trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế giám sát và chế tài xử lý vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.