Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cơ chế, chồng chéo trong quản lý

Bài, ảnh: Hữu Hoài| 21/09/2011 07:36

(HNM) - Tốc độ đô thị hóa ở nhiều vùng nông thôn đang diễn ra nhanh chóng kéo theo việc xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, trách nhiệm trong quản lý bị chồng chéo khiến ở nhiều nơi công tác này vẫn bị bỏ ngỏ...


Chồng chéo trong quản lý


Rác đổ bừa bãi dọc theo sông Đáy tại khu vực ngoại thành Hà Nội.

Số liệu vừa được Bộ NN&PTNT công bố tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010 cho thấy, công tác vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng nóng bỏng. Nếu như năm 2006, tổng lượng chất thải rắn ở khu vực nông thôn thải ra môi trường khoảng 10 triệu tấn/năm thì hiện nay là 13,5 triệu tấn/năm tăng 174% so với 5 năm trước đó. Trong đó có tới 80% lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh khiến nhiều nơi tràn ngập rác. Hiện nay, chỉ có khoảng 30-40% số xã ở nông thôn thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải, nhưng chủ yếu là các tổ thu gom theo mô hình tự quản, một số ít địa phương thành lập các HTX dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, các tổ dịch vụ môi trường nông thôn đa số hình thành theo kiểu tự phát lại chưa được sự hỗ trợ nên hoạt động kém hiệu quả và không bền vững. Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (Bộ NN&PTNT), việc thu gom, xử lý rác thải giữa khu vực thành thị và nông thôn hiện đang xảy ra tình trạng bất bình đẳng về cơ chế, chính sách hỗ trợ. Điều này thể hiện ở chỗ, nhiều địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn. Trong khi đó ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích, 80% kinh phí hoạt động được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chỉ có 20% là do dân đóng góp. Với các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp nên chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác. Thu nhập của người thu gom rác nông thôn cũng rất thấp, chỉ bằng 30-40% mức thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Ở nhiều vùng nông thôn, người thu gom rác thải còn chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế và chưa có bảo hộ lao động...

Ông Phan Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho rằng, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay ở nông thôn chưa có mô hình chuẩn, do đó các địa phương rất lúng túng trong quá trình áp dụng cơ chế, chính sách. Các văn bản hướng dẫn hiện hành chỉ áp dụng cho đô thị. Nhà nước hầu như không có kinh phí hỗ trợ cho công tác thu gom xử lý rác thải nông thôn. Trong phân công trách nhiệm quản lý chất thải nông thôn lại chưa rõ ràng, một số nội dung bị chồng chéo, nơi thì do sở tài nguyên và môi trường quản lý, nơi lại do sở NN&PTNT chịu trách nhiệm. Có những việc nổi cộm về quản lý môi trường thì chưa có cơ quan quản lý chịu trách nhiệm khiến công tác này bị... bỏ ngỏ.

Cần một cơ chế rõ ràng

PGS.TS Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, gánh nặng về nước thải, rác thải nông thôn gây ô nhiễm môi trường, không chỉ dừng ở chỗ làm mất cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân làm cho dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, thiệt hại lớn về kinh tế. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn ở nông thôn không quá khó nếu các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc tích cực và đưa ra một cơ chế thống nhất, hành lang pháp lý rõ ràng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý môi trường, thu gom chất thải, rác thải nông thôn.

Theo ông Phan Văn Phong, trong điều kiện đất chật, người đông, đất đã giao ổn định lâu dài cho hộ nông dân kèm theo những quy định hạn chế về sử dụng đất lúa nên việc quy hoạch một bãi chôn lấp xử lý rác thải quy mô lớn là không dễ. Các bãi rác quy mô nhỏ cấp xã, thôn vẫn đang là một giải pháp tình thế, tuy nhiên tất cả các xã đều có bãi chôn lấp xử lý rác thải hợp vệ sinh không phải là giải pháp tốt. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp xây dựng các bãi chôn lấp rác thải quy mô vùng, ở các xã sẽ bố trí các điểm trung chuyển hoặc bãi chôn lấp tạm thời sau đó đưa về bãi tập trung. Với những địa phương có tiềm lực nếu chú trọng áp dụng các phương pháp xử lý rác công nghệ cao như lò đốt rác, chế biến rác thành phân compost...

Để khắc phục tình trạng "thừa rác, thiếu chỗ đổ" ở khu vực nông thôn, PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương đề xuất, cùng với việc xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn, thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích và các biện pháp chế tài trong quản lý, cần có cơ chế hỗ trợ các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn. Đồng thời phải thống nhất một cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng từ trung ương đến địa phương chuyên quản lý về vệ sinh môi trường nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế, chồng chéo trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.