(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài
Rối vì không rõ ràng
Bà Nguyễn Thị Huyền ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy phản ánh, hộ gia đình là khái niệm được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS), các văn bản liên quan đến đất đai, cư trú, hôn nhân... Tuy nhiên, giữa cả "rừng" luật, chỉ thị, thông tư hướng dẫn, việc vận dụng để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong hộ gia đình vẫn rối như canh hẹ. Tất cả là vì, theo quy định của BLDS thì chủ hộ gia đình được ghi tên trên sổ hộ khẩu hoặc là người được người chủ hộ gia đình ủy quyền đương nhiên là người đại diện của hộ gia đình để xác lập các giao dịch dân sự. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình còn phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý…
Cần có các căn cứ cụ thể để xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai lại quy định: Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất… thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình, phải được tất cả thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất, ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật. Như vậy, giao dịch của hộ gia đình chỉ đòi hỏi các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi BLDS yêu cầu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên khiến không chỉ người trong cuộc mà ngay cả thẩm phán, luật sư, công chứng viên, công chứng tư pháp, hộ tịch cũng rơi vào thế bí, không biết nên hướng dẫn ra sao. Chưa hết, việc xác định thành viên hộ gia đình dựa trên hộ khẩu hay quan hệ hôn nhân, huyết thống đến nay chưa có sự thống nhất. Vì thế, những tranh chấp liên quan đến tài sản thừa kế, giao dịch kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, luôn ở trong tình trạng khó giải quyết. Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, rất nhiều giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai ghi là hộ gia đình, nhưng số thành viên hộ gia đình không ghi rõ, ngay cả hồ sơ địa chính cũng vậy. Khi phát sinh tranh chấp, tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu với lý do việc định đoạt quyền sở hữu chưa có sự đồng ý của tất cả các bên, cơ sở pháp lý để xử lý không có.
Không chỉ vậy, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, việc xác định thế nào là hộ gia đình, thành viên hộ gia đình không rõ ràng còn khiến hoạt động cho vay gặp nhiều rủi ro. Ngân hàng càng đẩy mạnh cho vay hộ gia đình thì đi kèm theo rủi ro càng lớn, nhất là khi các thành viên trong cùng một tổ ấm có mâu thuẫn.
Cần nghiên cứu, xây dựng chế tài cụ thể
Vấn đề khó nhất đặt ra là nếu bỏ hộ gia đình ra khỏi BLDS với tư cách chủ thể thì điều chỉnh quan hệ đã xác lập trước ngày luật này có hiệu lực thế nào. Vì lý do này, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) cho rằng, việc quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết, bởi đó là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự và cũng là xuất phát từ các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, gia đình và lịch sử của Nhà nước ta. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tú, muốn tránh những rắc rối không đáng có, cần quy định cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự. Với các tài sản của hộ gia đình mà pháp luật có quy định phải đăng ký thì giấy chứng nhận đăng ký phải ghi đầy đủ tên chủ hộ và các thành viên.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, đã hàng chục năm trôi qua kể từ khi hộ gia đình được đưa vào thành một chủ thể trong Luật Đất đai mà vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể về chủ thể này vì quá khó. Theo phân tích của luật gia Lê Quang Vững (công tác tại Thanh tra Chính phủ), thiếu ổn định và thiếu bền vững là đặc tính của hộ gia đình. Trong thực tiễn áp dụng luật, những người có thẩm quyền vẫn căn cứ vào cơ cấu thành viên trong hộ gia đình theo sổ hộ khẩu thường trú để xác định thành viên hộ gia đình với tư cách là những người có quyền sở hữu đối với tài sản. Cách tư duy này gây rất nhiều khó khăn cho chủ sở hữu đích thực khi đưa tài sản vào các giao dịch vì các thành viên hộ gia đình thường xuyên có sự thay đổi do tách hộ hoặc có thêm con dâu, con rể, nhận nuôi con nuôi, cho con để người khác nuôi, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết… Vậy thành viên mới, mất tích đó có được tính là thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự hay không? Nếu những người này từng tham gia hoạt động sản xuất kinh tế chung của hộ gia đình thì có quyền đối với tài sản chung của hộ gia đình hay không? Đây là vấn đề khó có trả lời thống nhất ngay trong mỗi gia đình, vậy không cớ gì lại xác định trong luật cho thêm rối, khó giải quyết; chỉ nên quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân.
Với câu chuyện trên, có hay không ghi nhận hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự là vấn đề đặt ra, cần được Bộ Tư pháp nghiên cứu, trả lời thấu đáo, có đánh giá tác động, xây dựng chế tài cụ thể để có cơ sở giải quyết triệt để các tranh chấp kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.