(HNM) - Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26-6-2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện
Cán bộ Đội QLTT số 4 (quận Đống Đa) kiểm đếm đồ chơi bạo lực thu giữ trên địa bàn ngày 6-9 vừa qua.
Trong vai người tiêu dùng, PV Hànộimới đã đến một số chợ, cửa hàng bán ĐCTE ở các quận nội thành Hà Nội. Chợ Hà Đông có gần chục quầy bán ĐCTE lớn nhỏ với hàng trăm chủng loại, đủ màu sắc, kích cỡ. Tại quầy bán ĐCTE Thọ Vân, trong vô số loại đồ chơi được bày bán mỏi mắt tìm mới thấy một vài sản phẩm có dán tem CR. Đáng nói là hầu hết ĐCTE bán tại chợ Hà Đông đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được làm bằng nhựa cứng, rất dễ vỡ và không an toàn khi sử dụng... Khi được hỏi "sao ĐCTE lại không dán tem CR?, một chủ cửa hàng trả lời: "Có đấy chứ, nhưng hàng dán tem CR bán ế lắm nên các chị không nhập. Khách thường thích mua hàng rẻ nên ở đâychỉ bán hàng "chợ" thôi"… Tại quầy ĐCTE Chusbill Baby, tầng 2, Đại siêu thị Hiway Hà Đông, tuy số mặt hàng ĐCTE dán tem CR nhiều hơn các quầy hàng tại chợ Hà Đông nhưng số lượng cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các mặt hàng ĐCTE bày tại quầy. Nhưng có điều lạ là tem CR dán trên ĐCTE ở đây có nhiều loại, khuôn hình không đồng nhất, lem nhem; dấu CR và chữ in trên một số tem nhòe nhoẹt (?). Khảo sát thêm tại chợ Ngã Tư Sở, một số cửa hàng kinh doanh ĐCTE lớn trên các tuyến phố nội thành Hà Nội, đa số ĐCTE được bày bán đều không được dán tem hợp quy, trong số đó có khá nhiều đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hiểm.
Trước thực trạng các cửa hàng kinh doanh ĐCTE không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứa các chất cấm sử dụng, nhiều đồ chơi bạo lực, hằng năm lực lượng QLTT TP đã mở nhiều đợt kiểm tra, xử lý. Trong đợt tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh ĐCTE dịp Tết Trung thu 2012, Đội QLTT số 26 (quận Hà Đông) đã kiểm tra 9 cửa hàng trên địa bàn thì tất cả đều kinh doanh ĐCTE là hàng cấm, không có nhãn phụ tiếng Việt. đội đã tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn khẩu súng, kiếm nhựa các loại và nhiều đồ chơi bạo lực khác không có nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe và giáo dục nhân cách trẻ nhỏ. Mới đây, ngày 6-9, Đội QLTT số 4 (quận Đống Đa) đã kiểm tra, thu giữ 7 kiện hàng ĐCTE bạo lực, nguy hiểm tại sân ga Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu đồng. Ông Trịnh Bá Quang, Đội trưởng đội QLTT số 26 (quận Hà Đông) cho biết, lượng ĐCTE thuộc diện cấm bị tịch thu, tiêu hủy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, vì việc buôn bán diễn ra rất kín đáo, tinh vi. Hầu hết các cửa hàng đều không công khai bày bán, nhưng khi khách hàng có nhu cầu sẽ đáp ứng ngay. Ông Quang cũng thừa nhận, ĐCTE không dán tem CR được bày bán trên thị trường hiện còn nhiều, nhưng do chưa có quy định về biện pháp xử lý tịch thu đối với đối tượng bán lẻ nên QLLT không có chế tài xử lý hữu hiệu.
ĐCTE không dán tem CR đồng nghĩa với việc chưa được chứng nhận, công bố hợp quy và đương nhiên chất lượng sẽ không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em khi sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh khi được hỏi đều trả lời không quan tâm đến tem hợp quy CR hay chất lượng ĐCTE đó thế nào mà chỉ quan tâm là con mình có thích hay không và giá tiền là bao nhiêu. Anh Nguyễn Văn Hoàng, phường Kim Liên (Đống Đa) tâm sự: "Tôi cũng biết đồ chơi an toàn phải là đồ chơi được dán tem CR, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… thế nhưng những đồ chơi đó giá đắt gấp 5-10 lần đồ chơi cùng loại nên tôi vẫn chọn mua đồ chơi rẻ tiền, miễn sao con tôi thích". Cũng có phụ huynh quan tâm đến chất lượng sản phẩm ĐCTE, tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng thường có giá quá đắt nên lại quay ra mua đồ chơi giá rẻ...
Để bảo đảm sức khỏe cũng như giáo dục nhân cách tốt nhất cho con trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi kinh doanh đồ chơi nhập lậu, bạo lực nguy hiểm, chưa được chứng nhận hợp quy (không dán tem hợp quy). Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần sáng suốt trong việc lựa chọn, không nên quá ham rẻ mà rước về những món đồ chơi có nguy cơ gây tổn hại cho con em mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.