(HNM) - Game online (GO), trò chơi trực tuyến trên internet, có mặt tại Việt Nam 7 năm về trước (năm 2003) và đã phát triển "như vũ bão" từ đó đến nay. Cùng với những ấn tượng về hiệu quả kinh tế, GO đã kéo theo hàng loạt ảnh hưởng độc hại cho xã hội, gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa về việc cấm, việc quản loại hình này.
Sẽ là sai lầm nếu có ý định cấm hoàn toàn GO. Hiện nay, doanh thu một năm mà GO mang lại là khoảng 1.300 tỷ đồng (70 triệu USD). Đây là "ngành công nghiệp" có đóng góp cho nền kinh tế. Điều này phù hợp với quan điểm và xu hướng chung của thế giới. Vấn đề là tìm ra cách quản lý phù hợp để giảm tối đa tác hại, tăng cường hiệu quả. Tháng 5 vừa qua, một quy chế quản lý mới đối với GO được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến nhằm theo hướng đó. Tuy nhiên, trước khi quy chế mới này được đưa vào áp dụng và kiểm chứng tác dụng, các biện pháp quản lý hiện hành vẫn thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Các biện pháp hiện nay mới chỉ "chạy lòng vòng" ở bên ngoài GO mà chưa đánh thẳng, đánh trúng vào những "tử huyệt" của lĩnh vực này. So sánh với nước láng giềng Trung Quốc, từ năm 2006, họ đã quản lý GO bằng chứng minh nhân dân, người chơi bắt buộc phải đăng ký nhận dạng. Nhờ quản lý được đối tượng chơi GO, từ năm 2007, Trung Quốc tiến thêm một bước khi quy định thời lượng đối với từng đối tượng để chống nghiện. Ví dụ, người chơi dưới 18 tuổi chơi quá 3 giờ liên tục thì số điểm sẽ bị tụt, sau 5 giờ sẽ mất hết điểm… với cách quản lý từ gốc đến ngọn, hiệu quả là Trung Quốc hiện nay có ngành công nghiệp GO phát triển hàng đầu thế giới. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của ta vẫn loay hoay quy định giờ chơi, giới hạn giờ hoạt động của các doanh nghiệp, các đại lý internet, trong khi họ có thể "lách" bằng nhiều hình thức.
Tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội Khóa XII vừa qua, liên hệ GO với bạo lực học đường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cung cấp những số liệu giật mình: "77% trò chơi game hiện nay là đánh nhau, giết người, 9% là cờ bạc, chỉ 14% là có yếu tố tích cực". Nhiều GO tạo môi trường để người chơi quan sát bạo lực, thực hành đánh nhau, giết nhau ảo. Điều đáng lên án là các trò chơi như vậy không phải chịu một chế tài nào, tại sao các cơ quan quản lý không ngăn chặn ngay những trò chơi nguy hiểm đang đầu độc giới trẻ như vậy? Đây là việc làm không khó khăn đến mức như "mò kim đáy bể", bởi chỉ cần vào internet một lúc có thể tìm ra đó là GO nào, công ty nào cung cấp.
Cả nước đang có khoảng 20 triệu người chơi GO, trong đó 5 triệu người chơi thường xuyên. Những con số này đủ cho thấy, vai trò và sức ảnh hưởng của GO đối với xã hội. Nếu không có những "bộ lọc" cẩn thận, nghiêm túc, để lọt GO xấu sẽ là tác hại khôn lường đối với cộng đồng xã hội. Trên thực tế, như con số mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cung cấp, những GO xấu vẫn ngang nhiên tồn tại và vô tư gây hại. Chúng ta đang thiếu một "bộ lọc" GO và thiếu sự kiên quyết xử lý những doanh nghiệp GO cung cấp GO xấu. Các cơ quan quản lý có vai trò làm "bộ lọc" GO, nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đó là điều có lẽ cũng đáng lo lắng, đáng báo động.
Quản lý lòng vòng, "bộ lọc" chưa hoạt động là hai vấn đề quan trọng phải thay đổi để GO phát triển lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.