Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu biện pháp mạnh

Thu Trang| 02/06/2014 06:33

(HNM) - Cuối tuần qua, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch phát động và ra quân thanh tra, kiểm tra tại một số nơi bị cấm hút thuốc như: Khách sạn, nhà hàng, bệnh viện (BV), trường học… hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm 2014.


Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu không có các hành động kịp thời, con số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Cũng theo WHO, tỷ lệ hút thuốc lá ở những nước nghèo gia tăng hơn nước giàu. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70 nghìn ca/năm vào năm 2030.

Biển cấm hút thuốc trong bệnh viện.Ảnh: Khánh Nguyên



Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã dẫn chứng về mức độ tàn phá tiền và sức khỏe con người do thuốc lá gây ra. Theo ông, như kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế, người Việt Nam chi tiêu khoảng 22 nghìn tỷ đồng cho thuốc lá/năm. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động, ốm đau và tử vong sớm vì những bệnh do hút thuốc lá gây ra, gồm: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ lên đến 23 nghìn tỷ đồng/năm. "Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại nước ta. Tại BV K, trong khi tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc lá chỉ chiếm 3,2% thì tỷ lệ người bệnh mắc ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%", ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Việt Nam hiện vẫn được xếp vào một trong số 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Điều đáng nói là độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Thống kê của Văn phòng Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm hơn 48%, trong đó có tới 21,6% nam thanh niên 16-24 tuổi hút thuốc. Như vậy, với dân số hơn 90 triệu người, trên toàn quốc có hơn 15 triệu nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam cũng rất cao với 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc...

Biện pháp đã đủ mạnh?

Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành Bộ Y tế và Bộ VH,TT&DL đã tiến hành kiểm tra 3 khách sạn lớn trên địa bàn Thủ đô, gồm: Melia, Sofitel Metropole và Sofitel Plaza. Kết quả cho thấy, so với việc kiểm tra cách đây gần 2 tháng, khách sạn Melia đã thực hiện khá tốt quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên, tại khách sạn Sofitel Metropole và Sofitel Plaza, tình trạng khách hút thuốc lá vẫn tồn tại. Mặt khác, các khách sạn này cũng chưa thực hiện đúng quy định về xây dựng khu vực cách ly cũng như dành riêng cho người hút thuốc lá, trên bàn ăn, bàn uống nước ở quầy bar vẫn để gạt tàn thuốc lá và không đề biển cấm hút thuốc…

Tương tự, qua kiểm tra tại BV Đa khoa Xanh Pôn, mặc dù BV đã có quy định cấm hút thuốc lá nhưng vẫn còn tình trạng trên bàn bác sĩ có gạt tàn đầy tàn thuốc lá, túi áo bác sĩ cũng có bao thuốc lá nhưng đoàn liên ngành lại không bắt được quả tang bác sĩ đang hút thuốc nên không thể xử phạt. Ngoài ra, hiện công trình BV đang thi công nên xuất hiện tình trạng công nhân xây dựng hút thuốc trong khuôn viên BV. Dù vậy, phía BV không thể kiểm soát cũng như nhắc nhở, xử phạt…

Đánh giá về hiệu quả của công tác thanh kiểm tra tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, trong khi số lượng người hút thuốc quá lớn thì lực lượng thanh, kiểm tra lại mỏng. Do đó, muốn đạt hiệu quả cần tăng cường lực lượng kiểm tra song hành với việc tuyên truyền nâng cao sự tự giác của mỗi người dân. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, tại Việt Nam do thuế thuốc lá thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh, thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá. Hiện nay, tỷ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam chiếm 41% trên giá bán lẻ, tương đương 65% giá xuất xưởng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất, chỉ cao hơn Campuchia. Chẳng hạn như thuế thuốc lá của Brunei là 81%, Thái Lan là 70%, Singapore là 71%, Malaysia là 57%... và rất thấp so với các nước phát triển như: Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%. Do đó, tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng thuế các sản phẩm thuốc lá cũng giúp làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể cho Nhà nước.

Theo ước tính của WHO, nếu Bộ Tài chính áp dụng lộ trình tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá từ nay đến năm 2020 lên gấp đôi hiện tại thì trong tương lai sẽ góp phần giảm gần 500 nghìn ca tử vong và đóng góp vào nguồn thu của chính phủ hơn 10.000 tỷ đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.