Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực chống lãng phí

Trí Dũng| 26/05/2022 06:09

(HNM) - Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV cho thấy, thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán 12,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tuy tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm... nhưng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết, gây lãng phí tiền bạc và tài nguyên.

Cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về những nội dung trên nhấn mạnh, việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Cùng với đó, tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng tài nguyên gây lãng phí nguồn lực tiếp tục xảy ra.

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8-2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng… Hoặc theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gần đây cho thấy, toàn thành phố có hơn 400 dự án thuộc diện chậm tiến độ, bỏ hoang, trong đó nhiều nhất là ở các quận, huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… Nhiều dự án giải phóng mặt bằng đã được 10-20 năm, nhưng hiện chủ đầu tư chỉ “quây tôn”, để cỏ mọc, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, bức xúc trong dư luận.

Rõ ràng, đây là những sự lãng phí khó có thể chấp nhận, cho thấy chính sách pháp luật chưa được thực hiện nghiêm; các tổ chức, cá nhân được giao quản lý chưa làm hết trách nhiệm.

Trước thực trạng trên, đã đến lúc tùy cấp độ, quy mô mà Quốc hội, Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm việc không phân bổ vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện triển khai; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân để bổ sung cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn. Cùng với đó là xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương hoặc không phân bổ hết vốn ngân sách địa phương; phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế; chậm giải ngân...

Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu lập tổ công tác về đầu tư công, xử lý dự án “treo”; thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan; thống kê từng vướng mắc, gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình với mục tiêu “kích hoạt” ở mức cao nhất để đầu tư công sớm mang lại giá trị tăng trưởng cho kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương khi để chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý dự án, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; có hình thức xử lý nghiêm các chủ đầu tư “ôm” đất mà không triển khai dự án, cố tình "nhập nhèm" để trục lợi...

Xử lý tốt vấn đề đầu tư công, quy hoạch "treo", dự án "treo" sẽ góp phần thực hiện tốt hơn chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực chống lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.