(HNM) - Để giành được độc lập, tự do cho đất nước hôm nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao mất mát, hy sinh. Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn", nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn tri ân, chăm sóc người có công bằng những việc làm thiết thực. Sự quan tâm chu đáo cả về vật chất, tinh thần, giúp người có công và gia đình nâng cao đời sống...
An vui dưới “mái nhà chung”
Cái nắng đầu mùa hạ mang theo oi bức làm ảnh hưởng đến những người sức khỏe yếu, nhất là với những người mang trong mình vết thương chiến tranh. Vì thế, thời gian này, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm sức khỏe người có công.
Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (đóng tại xã Viên An, huyện Ứng Hòa) Vũ Văn Trung cho biết, trung tâm hiện đang nuôi dưỡng lâu dài 42 người có công; đồng thời, tổ chức điều dưỡng luân phiên gần 100 người/đợt. Nhiều năm chăm sóc, gắn bó với người có công như người thân, chị Nguyễn Thị Ngà, nhân viên Phòng Điều dưỡng (Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn vào nét mặt, cử chỉ là chúng tôi có thể nhận biết được các bác đang cần gì để có biện pháp chăm sóc phù hợp”.
Bà Vương Thị Là, đến từ xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) đang sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho hay: “Ở đây, chúng tôi được chăm lo từ món ăn, giấc ngủ, cho đến việc luyện tập thể dục, thể thao, thăm khám sức khỏe... nên ai cũng phấn khởi”.
Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (đóng tại phường Biên Giang, quận Hà Đông), tháng 4 thường là thời điểm mái nhà chung của người có công nhộn nhịp bậc nhất trong năm. Bà Nguyễn Thị Thái, vợ bệnh binh Lê Văn Tý bày tỏ: “Sống tại trung tâm từ năm 1992 đến nay, tôi không thể nhớ hết bao nhiêu lần vết thương của chồng tái phát, phải vào bệnh viện để điều trị. Lần nào, chồng tôi cũng được đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm túc trực chăm sóc, điều trị 24/24 giờ”. Đối với các trường hợp đi điều dưỡng, Trung tâm cử cán bộ về tận xã đưa, đón người có công. Trong thời gian điều dưỡng, người có công được chăm sóc chu toàn về mọi mặt, để lại kỷ niệm đẹp trong mỗi người. Ông Tạ Phong Cầm, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh), hoàn thành đợt điều dưỡng vào ngày 24-4 vừa qua lưu luyến ghi lại những vần thơ: “... Lo chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ/Có người ốm đau tận tình chạy chữa...”.
Ngoài hai đơn vị nêu trên, các trung tâm điều dưỡng người có công khác trên địa bàn Hà Nội cũng thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả ân tình và trách nhiệm thiêng liêng đối với người có công.
Nghĩa tình nhân lên theo năm tháng
Không chỉ thấy rõ sự quan tâm, tận tình chăm sóc của cán bộ, nhân viên ở các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, mà ngoài cộng đồng, tấm lòng tri ân, chăm sóc người có công của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô được thể hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Hà Nội có hơn 756.000 người có công, bằng 8,2% tổng số người có công của cả nước. Những năm qua, thành phố luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước; đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù. Với chính sách hỗ trợ người có công gặp khó khăn về nhà ở, dù thành phố đã hoàn thành từ năm 2017, song những năm gần đây, chính sách này vẫn được các ngành, địa phương và nhân dân cùng thực hiện.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Thủ đô nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống cho người có công. Riêng năm 2021, toàn thành phố vận động Quỹ đạt hơn 34 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra. Đặc biệt, những thời điểm Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố dành nguồn kinh phí không nhỏ để trợ giúp, tri ân 100% người có công và thân nhân trên địa bàn...
Theo kế hoạch, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Hà Nội dự kiến tặng 122.045 phần quà đến người có công và thân nhân với tổng kinh phí 97,63 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho ít nhất 215 hộ gia đình người có công...
Ở cấp cơ sở, 30/30 quận, huyện, thị xã cũng ưu tiên nguồn lực để chăm lo, tri ân người có công. Tại huyện Ba Vì, ngoài các chế độ, chính sách chung, vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tri ân, tặng quà người có công tiêu biểu. Sự quan tâm đến từ nhiều phía, giúp người có công cảm thấy ấm lòng.
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, nghĩa tình đối với người có công được thành phố phát huy, nhân lên theo năm tháng, bảo đảm 100% gia đình người có công trên địa bàn thành phố có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.