(HNM) - Sau hai năm rưỡi mở cửa, thị trường bán lẻ vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) bán lẻ hàng đầu thế giới nào đến làm ăn mà chỉ tìm hiểu để liên doanh, liên kết với các nhà phân phối trong nước nhằm tạo chỗ đứng phù hợp.
Hệ thống phân phối ở Việt Nam khá đa dạng (khoảng hơn 20% là trung tâm thương mại, siêu thị; số còn lại là chợ truyền thống), vai trò của kênh phân phối đã được hoạch định, nhưng quan trọng là các DN phải tìm ra hướng đi phù hợp. Nếu có tiềm lực mạnh, DN phát triển ở kênh phân phối hiện đại, mà hiện đại ở đây không chỉ là các trung tâm thương mại, "đại" siêu thị, mà còn là các siêu thị cung cấp hàng hóa dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng (bán hàng đến từng địa chỉ, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua mạng internet...).
Thiết lập mối quan hệ ổn định, trên cơ sở liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng là đòi hỏi tất yếu và rõ ràng các doanh nghiệp đều ý thức rất rõ việc hướng đến người tiêu dùng tiềm năng, từ đó tạo ra sự khác biệt trong phân phối, bán lẻ để thu hút số đông khách hàng, nhất là những khu vực nông thôn - thị trường tiêu dùng vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề.
Chúng ta chưa xây dựng được "hàng rào" kỹ thuật với các sản phẩm cao cấp, những thương hiệu lớn của nước ngoài, nhưng hoàn toàn có thể thiết lập "hàng rào" về thị hiếu, nhằm thu hút "sức mạnh mềm" của người tiêu dùng trong nước. Để làm được việc đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phân phối nâng cao năng lực hệ thống và nguồn nhân lực, đồng thời sớm xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nhà bán lẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.