(HNMO) – Ngày 20-6, tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho dự thảo chiến lược đã được chia sẻ với sự tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Xây dựng đội ngũ giảng viên là chìa khoá phát triển
Chủ trì hội thảo, phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Là cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của thành phố, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần được tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu về giáo dục và đào tạo được xác định trong các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ; của Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội; đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-20202 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 7-10-2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3624-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khung định hướng cho mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Báo cáo về thực trạng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô khẳng định: Với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhà trường đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học hằng năm 3-5%; tăng quy mô người học trình độ đại học lên khoảng 9.000-10.000 người (hiện gần 6.300 người); quy mô người học trình độ thạc sĩ đạt 1.500 người (hiện là 500 người); nâng tỷ lệ sinh viên hài lòng về chất lượng giảng dạy từ 70% lên 90%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 90%...
Nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ giảng viên là chìa khoá phát triển, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giải pháp về xây dựng đội ngũ cần được nhấn mạnh trong dự thảo chiến lược. Đội ngũ này phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu; gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo…
Chia sẻ định hướng cũng như những giải pháp hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thuỷ ủng hộ định hướng nêu tại dự thảo chiến lược của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội về việc duy trì mô hình đào tạo đa ngành, chú trọng đào tạo giáo viên. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, nhà trường cần rà soát, hoạch định các mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; xác định các yêu cầu, chỉ số cần đạt được với từng mục tiêu chiến lược; định vị thương hiệu trong thị trường đào tạo nguồn nhân lực tại Hà Nội và cả nước, từ đó đặt ra các chỉ số cần đạt được về đào tạo; nghiên cứu phát triển mô hình đào tạo giáo viên hiện đại…
Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cơ bản đồng tình với các giải pháp đặt ra trong dự thảo chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là về giải pháp phát triển đội ngũ, thu hút giảng viên ở các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài bằng các chính sách đãi ngộ tương xứng…
Đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, dự thảo chiến lược đã được xây dựng công phu. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần tiếp cận căn cứ quan trọng số một là quy hoạch phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2045, từ đó xác định Hà Nội cần gì, nhà trường có thể đáp ứng như thế nào và làm cách gì để đáp ứng?
Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần phân tích sâu, dự báo kỹ xu hướng phát triển đại học trong kỷ nguyên số, đón đầu mô hình đại học thông minh để thiết kế mô hình đại học phù hợp với xu thế mới. Đồng thời, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu; làm rõ hơn bản sắc của trường; xác định rõ lộ trình cụ thể; tính đến nguồn lực, các điều kiện thực tế phát triển phù hợp để bảo đảm tính khả thi.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chiến lược, Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng lộ trình phát triển bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển của ngành giáo dục - đào tạo và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khẳng định vị thế trong nước và khu vực.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thành phố đã tính toán nguồn lực triển khai từ nay tới năm 2025, trong đó dự kiến đầu tư hơn 700 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trụ sở 1 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tại quận Cầu Giấy và mở rộng cơ sở 2 ở huyện Sóc Sơn. Trong quá trình xây dựng dự thảo chiến lược, Hà Nội cũng xác định ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội còn có nhiệm vụ quan trọng là tư vấn, tham mưu thành phố về phát triển giáo dục và đào tạo. Ban chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo và quyết tâm thực hiện thắng lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.