Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021

Thanh Hiền| 23/11/2021 14:22

Với chủ đề “Sáng tạo giá trị tinh hoa nghề truyền thống Thăng Long - Hà Nội”, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021 do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp là cơ quan Thường trực tổ chức, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11-2021.

Cuộc thi nhằm phát huy những ý tưởng sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, tập hợp trí tuệ, ý kiến đóng góp của các chuyên gia thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước tạo ra những sản phẩm có thiết kế mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, phù hợp thị hiếu khách hàng. Theo Ban tổ chức, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dự thi được chia thành các nhóm gồm: Sản phẩm gốm sứ; sản phẩm sơn mài; sản phẩm mây, tre, giang đan, guột tế; sản phẩm khảm trai, gỗ, sừng mỹ nghệ; sản phẩm thêu, lụa tơ tằm; sản phẩm đồng, đá và sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.

Việc xét chọn và trao giải sản phẩm dự thi bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Sản phẩm được lựa chọn phải thực sự là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, tinh hoa nhất trong số các sản phẩm dự thi, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cuộc thi đề ra. Cuộc thi dành cho mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội không giới hạn về độ tuổi, trình độ và số lượng sản phẩm dự thi. Các tổ chức, cá nhân tham gia dự cuộc thi phải bảo đảm sản phẩm dự thi là sản phẩm mới được thiết kế, sản xuất trong năm 2021, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; sản phẩm chưa  từng gửi tham gia các cuộc thi nào trước đó hoặc trong cùng thời điểm tổ chức cuộc thi này.

Các sản phẩm dự thi được xét chọn bằng hình thức chấm điểm theo thang điểm 100, được chia theo các nội dung cụ thể: Tính sáng tạo (30 điểm): Là sản phẩm mới được tác giả thiết kế và sản xuất trong năm 2021 và được đánh giá là thiết kế mới, sáng tạo. Đối với sản phẩm là cụm nhiều chi tiết phải lắp ghép dễ dàng, có thể thay đổi kiểu dáng, có nhiều mục đích sử dụng. Tính thương mại (30 điểm): Sản phẩm có giá trị sử dụng, có khả năng sản xuất hàng loạt, sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước, đóng gói đẹp, an toàn, dễ vận chuyển, phù hợp với thị trường, ưu tiên các sản phẩm có khả năng xuất khẩu tốt. Tính thân thiện với môi trường (15 điểm): Công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguyên vật liệu sản xuất ít hoặc không ảnh hưởng đến môi trường, ưu tiên các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế. Tính thẩm mỹ (15 điểm): Sản phẩm có thiết kế kiểu dáng đẹp, gọn, có bao bì, độc đáo, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tốt, có hoa văn, họa tiết và màu sắc hài hòa. Tính văn hóa truyền thống (10): Sản phẩm mang đậm nét truyền thống, truyền tải và thể hiện được nét văn hóa riêng của Hà Nội.

Giải thưởng sẽ được trao theo 6 nhóm sản phẩm, mỗi nhóm sản phẩm gồm tối đa 15 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 7 giải Khuyến khích. Mỗi giải thưởng cuộc thi được nhận: Biểu trưng cuộc thi; giấy chứng nhận đạt giải do UBND thành phố Hà Nội cấp và khoản tiền mặt từ nguồn kinh phí khuyến công thành phố.

Cuộc thi sẽ tạo ra từ 300 - 350 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đó, bổ sung vào bộ sưu tập sản phẩm các mẫu thiết kế mới của ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021.

Theo kế hoạch, lễ trao giải cuộc thi sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Các sản phẩm đạt giải cuộc thi sẽ được trưng bày tại khu trưng bày đặc biệt của Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.