Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”

Thế Phương| 15/05/2010 06:19

(HNM) - Hơn 1.700 đại biểu đại diện cho các dân tộc anh em chung nòi giống Lạc Hồng đã cùng về Thủ đô dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất.

Đây là một sự kiện đặc biệt, được tổ chức trong một thời điểm đặc biệt, khi cả nước tưng bừng khí thế thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp, hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Thành công của đại hội một lần nữa khẳng định ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng của hai tiếng "đồng bào" trong thẳm sâu tâm thức của mỗi người dân nước Việt.

Truyền thuyết sâu sắc và đậm chất nhân văn về dân tộc Việt Nam: Người dân nước Việt, dù là dân tộc nào cũng sinh ra từ một bọc trăm trứng. Người Việt Nam thân ái gọi nhau bằng hai tiếng "đồng bào" để nhớ về cội nguồn như một tiếng vọng thiêng liêng. Hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh, đây chính là nguồn sức mạnh đưa đất nước vượt qua những thử thách cam go, nghiệt ngã nhất.

Thời đại Hồ Chí Minh, hai tiếng "đồng bào" không chỉ chứa đựng một tình cảm sâu nặng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. Bác Hồ đã viết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt". Bác đã chọn Pắc Bó (Cao Bằng) làm căn cứ địa đầu tiên gây dựng phong trào cách mạng Việt Nam. Theo tiếng gọi của Bác Hồ, các dân tộc trên mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, Việt Bắc, đến Tây Nguyên, Tây Nam bộ... đồng cam cộng khổ, "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" chung sức, đồng lòng làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thu non sông về một mối. Trong thắng lợi chung của cả dân tộc, những cái tên anh hùng như Núp, Kan Lịch, Hồ Vai sáng mãi những chiến công.

Khi đất nước còn phải chống ngoại xâm, đến khi hòa bình thống nhất và những năm đổi mới, Đảng ta, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Giáo viên cắm bản ngày ngày cõng con chữ trèo đèo, vượt suối đến với em thơ, những chiến sĩ biên phòng, các đơn vị kinh tế quốc phòng dựng nhà cho đồng bào an cư, lạc nghiệp. Đảng, Nhà nước có chương trình 134, 135 tạo điều kiện cho các xã đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển. Bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp được gìn giữ, phát huy; chương trình: điện, đường, trường, trạm mọc lên ở mỗi thôn, bản. Nhiều dự án lớn đã đến với vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo, mở ra cơ hội, tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, xóa dần khoảng cách miền ngược, miền xuôi.

Sau ngày hợp nhất, Hà Nội có 33 dân tộc thiểu số với khoảng 6 vạn người. Tại vùng sâu, vùng xa các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, đời sống đồng bào còn có khoảng cách so với vùng trung tâm Thủ đô. Với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần đến với bản làng, cùng lãnh đạo các cấp bàn bạc, đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, xây đời sống mới. Bên cạnh các chương trình, kế hoạch cố định, Hà Nội đã đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, du lịch... Nhiều dự án được triển khai, tạo cơ hội cho đồng bào phát triển dịch vụ, thương mại, giao lưu văn hóa ...

Có thể nói, Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đã dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vùng sâu, vùng xa vẫn là khu vực có mức sống thấp, đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất vừa qua chính là nơi hội tụ, là diễn đàn để đồng bào - con Lạc, cháu Hồng, khẳng định sức mạnh, khẳng định quyết tâm, biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.