Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiên đường ngay bên chúng ta!

Hoàng Thi| 02/03/2016 07:16

(HNM) - Các bài ghi chép, tiểu luận của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) vốn gây hứng thú cho người viết bài, bởi những câu chuyện được thể hiện rất sinh động, giàu hình ảnh và tràn đầy cảm xúc xung quanh suy tư về số phận và nhân tính.

25 bài viết trong số rất nhiều bài viết ấy đã được tập hợp trong cuốn sách "Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng" (NXB Trẻ, 2016).

Tác phẩm là nơi tràn chảy những cảm hứng đắm say trước cuộc sống. Là nơi thể hiện những phát ngôn đĩnh đạc về quan niệm hạnh phúc, đau khổ. Nơi rất bình tĩnh nhưng cũng thật đau lòng khi người viết thốt lên những lời cảnh tỉnh cho sự tha hóa trong đời sống đang ngày càng vội vã, ngày càng vật chất hóa...

Tác giả gửi đi thông điệp ấy thông qua những sự vật, sự việc, con người, câu chuyện thật giản dị, thật nhỏ bé gắn với quãng đường đời của ông suốt từ khi là một cậu bé Làng Chùa nghèo khó nhưng huyền diệu đến ngày hôm nay. Đó là câu chuyện về người bà đau ốm phải cắt hết cả tóc, nằm trong căn phòng sực mùi nước tiểu và mê man về những năm tháng cũ.

Là một ngôi nhà sáng tác giữa vùng đồi ở Iceland mà tác giả được mời đến, nơi người nông dân chưa bao giờ thấy gió ngừng thổi từ khi họ được sinh ra. Đó cũng là cô gái lái đò mắt kém khát khao một hạnh phúc có tình yêu, được làm mẹ, nhưng cuối cùng phải tự tử vì hủ tục tàn nhẫn. Đó còn là những nắm lá thuốc của một bà lang Mường không rõ tên tuổi đã cứu tác giả qua cơn ốm thập tử nhất sinh. Là những lời dân ca của một nhà thơ từng là bộ đội Việt Nam khi ông ru em bé con một cựu chiến binh Mỹ ngủ ngon bên bến cảng nước Mỹ trong ánh hoàng hôn rực đỏ…

Nhưng những câu chuyện có thật, tưởng chừng bình thường và giản dị ấy, thực tế lại là những dồn nén ghê gớm sau hành trình sống vật vã, dằn vặt, đớn đau của tác giả về mình, về những người thân và cuộc đời rộng lớn. Càng sống thêm và nhớ lại, tác giả càng thấy thêm những màu sắc, chiều kích, âm hưởng vang lên từ những câu chuyện đã qua. Chúng vọng vào thực tại như một biểu hiện của cái đẹp, nỗi đau, sự bất hạnh, cái buồn muôn thuở, niềm hy vọng và cả những dằn vặt, thương tiếc khôn nguôi về những điều đã không diễn ra hay không làm khác được…

Nhưng, điều quan trọng, chúng cho tác giả niềm hạnh phúc được sống, được thấy mình trưởng thành hơn dù được ân hưởng hay phải chịu mất mát. Quan trọng hơn, qua những trải nghiệm ấy thì trong người kể chuyện và "nằm mộng" Nguyễn Quang Thiều, tinh thần nhân văn, lòng khát khao sự công bằng, cảm hứng tụng ca lòng nhân ái và cái đẹp trong tâm hồn con người… không ngừng được đốt cháy và tỏa sáng thêm. Tiến trình ấy vun bồi và tạo dựng nên một thái độ sống tích cực trước thời cuộc. Với nhà văn, có lẽ không gì bằng việc thực hành điều đó qua những trang viết mới.

Cũng giống như suy ngẫm của tác giả trong cuốn sách, thiên đường thật sự ở ngay chính bên cạnh, bên trong chúng ta, đã từng xuất hiện trong cuộc đời. Cuốn sách mở ra và dẫn người đọc trải qua những khoảnh khắc thiên đường của Nguyễn Quang Thiều, để độc giả có thể soi chiếu lại chính những tháng ngày đã qua trong đời mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên đường ngay bên chúng ta!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.